Bù Gia Mập-12 năm một chặng đường

Thứ hai - 01/11/2021 10:25 1.347 0
Ban Biên tập xin trích đăng nguyên văn bài phát biểu của Chủ tịch UBND huyện nhân kỷ niệm 12 năm ngày thành lập huyện (01/11/2009-01/11/2021)
 Chủ tịch UBND huyện Lê Quang Oanh 
 Chủ tịch UBND huyện Lê Quang Oanh 
    Huyện Bù Gia Mập được thành lập và chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 01/11/2009 theo NQ số 35/NQ-CP của Chính phủ, đến năm 2015 huyện tiếp tục được chia tách để thành lập mới huyện Phú Riềng, sau chia tách huyện Bù Gia Mập còn lại có diện tích tự nhiên là 106.428ha, dân số 75.208 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 36,1%, có 8 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, trong đó có 02 xã biên giới là xã Đăk Ơ và xã Bù Gia Mập với chiều dài đường biên giới trên 60km.
     Xuất phát điểm là một huyện có điều kiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức còn thiếu. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các Sở, ban ngành của tỉnh cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng bộ huyện, sự quản lý và điều hành chặt chẽ của chính quyền các cấp, sự phối hợp tích cực và có hiệu quả của các đoàn thể chính trị xã hội, sự nỗ lực to lớn của nhân dân, đồng thời được sự ủng hộ của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn đã cùng nhau đồng lòng, chung sức xây dựng huyện Bù Gia Mập ngày hôm nay đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, diện mạo của một huyện miền núi đã và đang từng bước đổi thay một cách khá toàn diện. Thể hiện qua một số kết quả trọng tâm đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh như:  
     Về phát triển kinh tế, từ một huyện mới chia tách, xuất phát điểm còn thấp và còn nhiều khó khăn, sau 12 năm thành lập huyện, các chỉ tiêu kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ khá và đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 đạt 3.075 tỷ đồng, tăng 29,6% so với năm 2015 (2.373 tỷ). Giá trị sản xuất Công nghiệp năm 2020 đạt 2.406 tỷ đồng, tăng 215%  so với năm 2015 (764 tỷ); thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 45 triệu đồng/ người/năm; Thu ngân sách địa phương hàng năm đều đạt và vượt từ 10 – 15% so với dự toán UBND tỉnh giao, năm sau thu cao hơn năm trước.
     Trong cơ cấu kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp luôn giữ vị trí hết sức quan trọng và đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế của huyện, giá trị sản xuất nông nghiệp liên tục tăng qua các năm. Trên cơ sở quy hoạch phát triển cây công nghiệp của tỉnh nói chung, huyện Bù Gia Mập nói riêng và qua thực tiễn phát triển diện tích cây công nghiệp trên địa bàn, Đảng bộ huyện xác định cây Điều, Cao su và Cà phê là các cây công nghiệp chủ lực của huyện Bù Gia Mập, từ đó, huyện chủ trương phát triển ngành nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, cùng với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, đến nay trên địa bàn huyện đã và đang hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp có thế mạnh với 22.396ha cao su, 24.752ha điều, 1.619ha cafe, 1.977ha cây tiêu. Kinh tế trang trại, kinh tế tập thể  được khuyến khích phát triển với 62 trang trại với tổng diện tích 846,9ha, 08 Hợp tác xã với 520 thành viên và 12 Tổ hợp tác chăn nuôi, trồng trọt với 447 thành viên đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động, góp phần phát huy hiệu quả tiềm năng đất đai, tạo công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện.
     Huyện Bù Gia Mập là một huyện miền núi, nền kinh tế chủ lực là nông nghiệp, tuy nhiên sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ trên địa bàn luôn được chú trọng phát triển. Quy mô sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp qua các năm có chiều hướng tăng nhờ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp. Thương mại - dịch vụ có bước phát triển khá, giá trị sản xuất thương mại dịch vụ năm 2021 ước đạt 2.435 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015 - 2020 trung bình ở mức 20%/năm; mạng lưới thương mại, dịch vụ trên địa bàn phát triển khá nhanh, nhất là ở khu vực trung tâm chợ các xã Đăk Ơ, Đa Kia, Phú Văn đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa, phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Toàn huyện hiện có 404 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đã và đang hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả với nhiều ngành, nghề, lĩnh vực, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động và đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách địa phương qua các năm.
     Cùng với đó, để tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong đó cơ sở hạ tầng đóng vai trò hết sức quan trọng nên được huyện đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng. Cụ thể, vốn Ngân sách bố trí cho đầu tư xây dựng cơ bản qua từng năm liên tục tăng, bình quân khoảng 20-30%/năm trong tổng chi ngân sách, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như:
     + Hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng mới và tu sửa, nâng cấp đảm bảo lưu thông đi lại của nhân dân với kinh phí từ nguồn vốn Ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa, đóng  góp của người dân, đến nay tương đối hoàn chỉnh, các tuyến đường giao thông huyết mạch đã được nhựa hóa 100% đảm bảo thông suốt, 8/8 xã trên địa bàn đã có đường nhựa đến trung tâm xã.
     + Hệ thống lưới điện trên địa bàn huyện được quan tâm cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới hàng năm, đến nay với 310km đường dây trung thế và 280km đường dây hạ thế đã đảm bảo đưa điện đến các khu vực vùng sâu, vùng xa của huyện, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đến nay đạt 97,6%.
     + Nhiều dự án công trình trụ sở cơ quan hành chính, bệnh viện, trường học được xây dựng mới đáp ứng nhu cầu làm việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương và đảm bảo phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
     Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương, huyện luôn chăm lo xây dựng và phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội. Theo đó, xác định ngành giáo dục và đào tạo là yếu tố quyết định nguồn nhân lực của huyện. Với mục tiêu nâng cao trình độ dân trí, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực phục vụ cho phát triển của huyện nhà, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện không ngừng phát triển cả về chất lượng và quy mô. Ngành giáo dục huyện hiện có 34 trường học, trong đó có 8 trường đạt chuẩn quốc gia, với 1.168 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 16.776 học sinh; tỷ lệ học sinh lên lớp trung bình đạt 98,5%,  giáo viên trên chuẩn chiếm tỷ lệ 79,14%. Toàn huyện có 8/8 xã đạt phổ cập giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở;  08/8 xã đạt phổ cập giáo dục tiểu mức độ 3, 8/8 xã đạt phổ cập mầm non 5 tuổi. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT qua các năm luôn đứng thứ hạng cao so với toàn tỉnh.
     Trên lĩnh vực văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” được huyện triển khai đồng bộ, các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của người dân; nhận thức của của người dân, nhất là người DTTS đã có những thay đổi rỏ nét, nhiều tập quán lạc hậu, tốn kém đã được loại bỏ ...góp phần thúc đẩy các tầng lớp nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đến nay, có 100% thôn trên địa bàn có nhà văn hóa cộng đồng; 85,2% khu dân cư  đạt khu dân cư văn hóa; 90,8% hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa.
     Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các chính sách an sinh xã hội đối với người có công, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội luôn được các ngành, các cấp và cộng đồng xã hội quan tâm thực hiện tốt. Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn kinh phí, huyện đã xây dựng và bàn giao 1.818 căn nhà tình thương, tình nghĩa với tổng số tiền 67.396 triệu đồng; Công tác giảm nghèo được đẩy mạnh thực hiện theo chương trình giảm 1000 hộ nghèo của tỉnh, đồng thời với việc lồng ghép với các chương trình, dự án, tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn, hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ con giống, vật tư nông nghiệp, đẩy mạnh công tác khuyến nông, chăm lo giáo dục và sức khỏe cho người nghèo... Tính đến hết năm 2021, toàn huyện còn 415 hộ nghèo chiếm 2.05% và 1.227 hộ cận nghèo chiếm 6,08%.
     Về công tác y tế, như chúng ta đã biết dịch bệnh Covid-19 bắt đầu xảy ra và lây nhiễm từ năm 2019, đã bùng phát ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam qua 3 đợt xuất hiện các chùm ca lây nhiễm, chúng ta đã kiểm soát, khống chế thành công, tuy nhiên trong đợt bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Đelta, tình hình lây nhiễm hết sức nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế, xã hội. Bù Gia Mập với đặc thù là huyện miền núi, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn, điều kiện cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn, hệ thống y tế từ tuyến huyện đến tuyến xã cơ bản mới đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, từ ngày 08/7/2021 và ngày 12/7/2021 xuất hiện 02 ổ dịch tại các Đăk Ơ Phú Văn, tính đến nay trên địa bàn huyện có 74 ca, trong đó có 57 ca đã ra viện, hiện còn 17 ca đang điều trị. Trong công tác phòng chống dịch Covid-19 đội ngũ y tế địa phương đã hết sức nỗ lực cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện nhà thực hiện tốt nhiệm vụ. Có mặt kịp thời tại các điểm nóng, các khu vực phong tỏa để khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu không kể ngày đêm, trong điều kiện thời tiết hết sức khó khăn, từ đó hạn chế thấp nhất khả năng lây lan dịch bệnh, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân. Thay mặt chính quyền và nhân dân huyện Bù Gia Mập tôi gửi lời tri ân sâu sắc đến lực lượng Y tế nơi tuyến đầu chống dịch.
     Song song với phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội được coi là nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Nêu cao tinh thần cảnh giác, xây dựng địa bàn an toàn, củng cố thế trận lòng dân, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc đã được nhân dân tham gia tích cực, tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Công tác quân sự - quốc phòng luôn được cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một cách xuyên suốt, quyết liệt, đảm bảo nền quốc phòng toàn dân vững chắc.
     Để đạt được những kết quả trên, cùng với “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì yếu tố cơ bản hàng đầu là Đảng bộ, Chính quyền huyện Bù Gia Mập luôn đoàn kết, thống nhất, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Xác định cán bộ giữ vai trò hết sức quan trọng, ngày từ ngày đầu thành lập, huyện đã tập trung xây dựng củng cố hệ thống chính trị đảm bảo kỷ cương, dân chủ, đoàn kết, đồng thời đề ra những chủ trương, Nghị quyết sáng suốt, hợp lòng dân. Từ chỗ cán bộ, công chức cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã giai đoạn đầu thành lập huyện còn nhiều hạn chế, đến nay đã tăng cả về số lượng và chất lượng, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đã cơ bản đạt tiêu chuẩn quy định. Đến nay, toàn Đảng bộ huyện có 45 chi, Đảng bộ trực thuộc với 1.796 Đảng viên. Đảng bộ huyện liên tục được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh qua các năm.
     Kỷ niệm 12 năm thành lập huyện, chúng ta hân hoan đón nhận những thành quả bước đầu của công cuộc xây dựng và phát triển huyện Bù Gia Mập ngày càng vững bước đi lên, nhưng phía trước vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức như chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện còn chậm, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế; ảnh hưởng của dịch bệnh làm suy giảm kinh tế trên phạm vi cả nước sẽ tác động không nhỏ đến sản xuất kinh doanh, cũng như đời sống của nhân dân..., đó là những bài toán đặt ra của Đảng bộ, Chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội của huyện trong thời gian tới. Với mục tiêu “Khai thác nội lực, xác định nhân tố con người giữ vai trò chủ đạo, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phát huy những kết quả đã đạt được, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bù Gia Mập quyết tâm đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, nắm bắt thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, ra sức thi đua lao động sản xuất, cần, kiệm, sáng tạo, quyết tâm xây dựng huyện Bù Gia Mập ngày càng giàu đẹp, góp phần cùng tỉnh Bình Phước và cả nước chiến thắng đại dịch, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".                                                                                         

Tác giả: Chủ tịch UBND huyện: Lê Quang Oanh

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 1.3 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây