Với đặc thù là tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn, đồng thời trong bối cảnh tình hình đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhiều vấn đề đặt ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số như tỷ lệ hộ nghèo cao, kết cấu hạ tầng nông thôn còn nhiều yếu kém, trình độ dân trí còn thấp so với mặt bằng chung của khu vực...đó là những nguyên nhân để tỉnh ban hành chính sách mới .
Theo đó, đối tượng thụ hưởng chính sách là đồng bào DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Mục tiêu chính của Nghị quyết là nâng cao hiệu quả chính sách dân tộc thực hiện trong giai đoạn 2018 – 2020, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và khả năng bố trí kinh phí của tỉnh. Góp phần nâng cao dân trí, giúp hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao trình độ, nhận thức về mọi mặt. Phát huy vai trò của cộng đồng và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một số điểm mới nổi bật trong nghị quyết là đã quy định cụ thể chính sách hỗ trợ kinh phí cho sinh viên DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đang học (không thuộc hệ cử tuyển) tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân. Hỗ trợ tiền sinh hoạt phí hằng tháng bằng 0,4 lần mức lương cơ sở, thời gian hỗ trợ 10 tháng/năm học; hỗ trợ tiền tàu, xe đi lại dịp hè, tết Nguyên đán (4 lượt/năm) theo giá vé của các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng (trừ máy bay); hỗ trợ tiền làm luận văn báo cáo tốt nghiệp bằng 4 lần mức lương cơ sở. Đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ tiền xăng xe đi lại bằng 0,1 lần mức lương cơ sở/người/tháng (trước đây quy định số tiền 1.200.000 đồng/người/năm); mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người có uy tín trong đồng bào DTTS chưa có thẻ bảo hiểm y tế hoặc chưa được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế từ các chính sách khác, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Hỗ trợ lương thực cho các hộ đã được cấp đất thuộc các dự án định canh, định cư tập trung theo Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 10kg gạo/khẩu/01 tháng X 6 tháng/01 năm và được hỗ trợ trong 02 năm (trước đây quy định mức tiền cụ thể/1 kg gạo do đó không còn phù hợp với đơn giá thực tế hiện nay). Chính sách hỗ trợ người DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia các khóa đào tạo nghề do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có chức năng khác tổ chức trên địa bàn tỉnh, ngoài số kinh phí được cấp theo quy định của Trung ương với mức hỗ trợ 100 ngàn đồng/ngày/người, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng/khóa đào tạo. Hỗ trợ kéo điện vào đến nhà các hộ DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo chưa ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với ngành điện để phục vụ sinh hoạt và sản xuất, mức hỗ trợ 3,5 triệu đồng/hộ.
Nguồn kinh phí dự kiến thực hiện các chính sách hỗ trợ là 20 tỷ 954,52 triệu đồng chi theo phân kỳ chi ngân sách. Ngoài phần kinh phí thực hiện các chính sách đặc thù, hằng năm, UBND tỉnh căn cứ tình hình thực tế nguồn thu ngân sách tỉnh, xây dựng phương án sử dụng, báo cáo HĐND tỉnh quyết định ưu tiên bố trí một phần tổng nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách tỉnh để đầu tư phát triển vùng DTTS của tỉnh.
Với những chính sách trên, mục tiêu cụ thể của tỉnh đặt ra là mỗi năm giảm 2% hộ nghèo dân tộc thiểu số, giải quyết cơ bản nhu cầu sử dụng điện; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu điện sản xuất và sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số; đảm bảo 100% học sinh DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân được hỗ trợ chi phí học tập; đảm bảo 100% người có uy tín trong đồng bào DTTS được hỗ trợ tiền xăng xe và được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Hi vọng rằng, Nghị quyết của tỉnh đi vào cuộc sống sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bù Gia Mập nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung.
Nguyễn Thị Hương
Phòng Dân tộc huyện