Với đặc thù là huyện miền núi, biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, toàn huyện có 3 xã và 22 thôn đặc biệt khó khăn, con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học tại các trường chiếm tỷ lệ cao, một số trường có từ 70% - 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số cộng với một số hủ tục và khó khăn về đời sống do đó, việc thực hiện công tác phổ cập, xóa mù chữ còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chính như: Làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục về nhận thức, tổ chức học tập, nghiên cứu chu đáo các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp, các văn bản hưởng dẫn của Bộ Giáo dục cho cán bộ quản lý giáo dục và toàn thể cán bộ giáo viên, đồng thời tham mưu với các ban ngành đoàn thể hướng dẫn triển khai nghị quyết của các cấp.
Tổ chức các Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể tổ chức kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kế hoạch ở các đơn vị.
Củng cố, giữ vững và nâng cao tỉ lệ đạt chuẩn về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, đẩy mạnh thực hiện PCGD tiểu học mức độ 3, PCGD mầm non cho trẻ năm tuổi cũng như PCGD trung học cơ sở mức độ 1; Thực hiện tốt ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
Tổ chức in ấn các biểu mẫu thống kê theo các tiêu chuẩn CMC-PCGD, các loại phiếu điều tra, hồ sơ sổ sách theo tình hình phổ cập ở các đơn vị, rà soát, đối chiếu kết quả điều tra, lâp danh sách các đối tượng theo từng năm sinh.
Đối với các trường MN, TH, THCS. THPT thực hiện đồng bộ các biện pháp: Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, xóa bỏ các phòng tạm bợ, từng bước kiên cố hóa trường học.
Tập trung xây dựng củng cố đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Bồi dưỡng tập trung để chuẩn hóa, khuyến khích giáo viên tham gia học các khóa đào tạo để nâng chuẩn; thực hiện nghiêm túc việc bồi dưỡng thường xuyên để đảm bảo dạy đủ và có chất lượng các môn học quy định trong chương trình.
Nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tỷ lệ lưu ban, kết hợp các biện pháp quản lý chặt chẽ sĩ số với công tác tuyên truyền vận động học sinh bỏ học trở lại lớp. Tổ chức tốt các hoạt động từ thiện trong và ngoài trường, giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có điều kiện tiếp tục học tập;
Tổ chức huy động và duy trì tốt các lớp học PCGD - XMC trên địa bàn huyện.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, kết quả trong năm 2018 có 02/08 xã được công nhận lại đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ mức độ 1; 05/08 xã được công nhận lại đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ mức độ 2; 01/08 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ mức độ 2 (xã Phú Nghĩa); 08/08 xã được công nhận lại đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi; 06/08 xã được công nhận lại đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 02/08 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (xã Phước Minh, xã Phú Nghĩa); 04/08 xã được công nhận lại đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1; 02/08 xã được công nhận lại đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2; 02/08 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 (xã Đăk Ơ, xã Đức Hạnh).
Công tác huy động người học ra lớp cũng đạt nhiều kết quả tốt: năm 2018 huy động ra lớp xóa mù chữ được 2 lớp/51 học viên, huy động ra lớp sau xóa mù chữ được 4 lớp/94 học viên, huy động ra lớp phổ cập trung học cơ sở được 1 lớp 9/15 học viên.
Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2018, mục tiêu đề ra của huyện nhà trong năm 2019 và những năm tiếp theo về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là duy trì tỉ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non năm tuổi, nâng cao tỉ lệ huy động ra lớp; duy trì tốt phổ cập giáo dục tiểu học mức 3; nâng cao tỉ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, duy trì tốt phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức 1 tiến tới mức 2 vào năm 2020, phấn đấu đạt phổ cập giáo dục THPT trong những năm tiếp theo./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thị Hương