Bù Gia Mập - Vững bước một chặng đường

Thứ tư - 06/11/2019 15:10 1.824 0
Huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước thành lập và hoạt động từ ngày 1-11-2009. 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, mở hướng phát triển bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương…
Bù Gia Mập - Vững bước một chặng đường
VƯỢT LÊN KHÓ KHĂN
       Tháng 8-2015, Bù Gia Mập chia tách để thành lập huyện Phú Riềng. Từ đó đến nay, huyện Bù Gia Mập có 8 xã, dân số 85 ngàn người, trong đó hơn 36% hộ là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Bù Gia Mập có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng cả về kinh tế, chính trị và quốc phòng, an ninh; điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội còn thấp; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn; hộ nghèo cao, trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung của toàn tỉnh. Những khó khăn đó đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bù Gia Mập nhiều thách thức trong việc hoạch định chính sách, tìm hướng đi đúng để phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các cấp, ngành cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực to lớn của nhân dân đã tạo sự đổi thay khá toàn diện và sâu sắc.
 
      Từ một huyện mới chia tách, xuất phát điểm thấp, sau 10 năm thành lập, nền kinh tế Bù Gia Mập luôn duy trì phát triển ổn định, các chỉ tiêu kế hoạch đề ra đều đạt và vượt, năm sau cao hơn năm trước. Thu ngân sách địa phương hằng năm đều đạt và vượt so với dự toán UBND tỉnh giao, năm sau cao hơn năm trước. Thu ngân sách năm 2019 ước hơn 738 tỷ đồng, tăng 80,09% so với năm 2016. Trong cơ cấu kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp luôn giữ vị trí hết sức quan trọng và đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế của huyện. Trên cơ sở quy hoạch phát triển cây công nghiệp của tỉnh nói chung, huyện Bù Gia Mập nói riêng và qua thực tiễn phát triển diện tích cây công nghiệp trên địa bàn, Đảng bộ huyện xác định điều, cao su và cà phê là các cây công nghiệp chủ lực của địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện đã và đang hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp có thế mạnh với 22.396 ha cao su, 24.752 ha điều, 1.619 ha cà phê, 1.977 ha tiêu. Kinh tế trang trại, kinh tế tập thể được khuyến khích phát triển với 62 trang trại, tổng diện tích 846,9 ha, 8 hợp tác xã với 520 thành viên và 12 tổ hợp tác chăn nuôi, trồng trọt với 447 thành viên đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.
       Quy mô sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp qua các năm có chiều hướng tăng nhờ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Thương mại, dịch vụ phát triển khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2019 ước đạt 1.802 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2019 ở mức khá; mạng lưới thương mại, dịch vụ trên địa bàn phát triển khá nhanh, đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa, phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Toàn huyện hiện có 275 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã và đang hoạt động hiệu quả với nhiều ngành, nghề, lĩnh vực, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách địa phương qua các năm.
 CƠ SỞ HẠ TẦNG PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ
       Để tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, cơ sở hạ tầng đóng vai trò hết sức quan trọng nên được huyện chú trọng đầu tư. Vốn ngân sách bố trí cho đầu tư xây dựng cơ bản qua từng năm liên tục tăng, bình quân khoảng 20-30%/năm trong tổng chi ngân sách, tập trung quan trọng nhất cho hệ thống giao thông nông thôn. Từ nhiều nguồn đầu tư, đến nay hệ thống giao thông trên địa bàn tương đối hoàn chỉnh, các tuyến giao thông huyết mạch đã được nhựa hóa 100%; 8/8 xã trên địa bàn đã có đường nhựa đến trung tâm xã. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện từ 88% năm 2010, đến nay tăng lên 96,9%. Nhiều hạng mục công trình quan trọng của huyện được đầu tư xây dựng như: Trụ sở Huyện ủy, HĐND và UBND huyện, hội trường huyện, Bệnh viện đa khoa huyện; trụ sở làm việc của các ban, ngành huyện và các xã. Tổng mức đầu tư gần 635 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu làm việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương và đảm bảo phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

       Năm 2017, huyện được TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 100 tỷ đồng đầu tư xây dựng Trường THPT Võ Thị Sáu và đã hoạt động từ đầu năm học 2019-2020. Ngoài ra, 10 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, huyện đã xây dựng và cải tạo, nâng cấp nhiều trường học trên địa bàn với tổng kinh phí hơn 439 tỷ đồng, đảm bảo công tác dạy - học. Cơ sở vật chất y tế được quan tâm đầu tư với việc xây dựng Bệnh viện đa khoa huyện quy mô 50 giường, 100% xã có trạm y tế, đảm bảo nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
 ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI
       Những năm qua, bằng nhiều nguồn kinh phí, huyện đã xây dựng, sửa chữa và bàn giao 1.685 căn nhà tình thương, tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 41 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện còn 2.171 hộ nghèo, chiếm 11,76%, giảm 1.492 hộ so với năm 2016. Hằng năm, bằng nhiều nguồn kinh phí, huyện đã hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội vui xuân, đón tết với tổng kinh phí gần 33 tỷ đồng.
       10 năm qua, thông qua các chương trình, dự án, các chương trình khuyến khích phát triển doanh nghiệp, kinh tế trang trại, kinh tế gia đình đã thu hút và giải quyết việc làm cho 24.251 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 16,2%. Năm 2019, huyện đang nỗ lực, phấn đấu để đầu tư cho 150 hộ DTTS thoát nghèo, theo Kế hoạch số 168-KH/TU ngày 8-4-2019 của Tỉnh ủy.
       Bù Gia Mập là huyện có đông hộ DTTS nên được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện. Bằng các chủ trương, chính sách của Trung ương và tỉnh, huyện đã thực hiện hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ các chương trình 102, 134, 135 và các dự án định canh, định cư 119, 33, 193... để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước các mặt hàng thiết yếu cho các xã vùng DTTS, đặc biệt khó khăn. Qua đó, đã giảm dần hộ nghèo, từng bước nâng cao đời sống, dân trí cho người dân đưa khu vực DTTS từng bước thoát khỏi tình trạng lạc hậu, chậm phát triển.
 TẠO SỨC BẬT MỚI
       Trên cơ sở bài học kinh nghiệm của 10 năm thành lập và phát triển, huyện Bù Gia Mập xác định nhiệm vụ, mục tiêu, định hướng phát triển trong tương lai là tạo sự chuyển biến toàn diện, sâu sắc trong công tác xây dựng Đảng và toàn bộ hệ thống chính trị; lấy việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng làm khâu đột phá; phấn đấu xây dựng Đảng bộ vững mạnh trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Huyện tập trung khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, phát huy hơn nữa nội lực, tranh thủ ngoại lực nhằm tạo sức bật mới trong phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tập trung huy động mọi nguồn lực phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng. Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, khuyến khích hỗ trợ để liên kết “3 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa; đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, đầu tư hình thành các khu thương mại, khu phức hợp, cụm công nghiệp, phát triển tốt hệ thống mạng lưới chợ xã. Phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ với tăng trưởng kinh tế. Tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc; ngăn chặn và đẩy lùi từng bước tệ nạn xã hội; tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, đặc biệt là giữ vững an ninh biên giới. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền vững mạnh, đoàn kết từ huyện đến cơ sở, nâng cao năng lực quản lý và hiệu lực của các cơ quan nhà nước. Phát huy dân chủ, nâng cao vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội trong vận động, tổ chức các phong trào quần chúng. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Đây là những nhiệm vụ cần thực hiện đồng bộ để Bù Gia Mập vững bước đi lên.
 Lê Quang Oanh, Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 10 đánh giá

Xếp hạng: 1.1 - 10 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây