HIỆU QUẢ NGUỒN VỐN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TỪCHỈ THỊ SỐ 40-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG

Thứ ba - 28/05/2024 09:11 63 0
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (gọi tắt là Chỉ thị 40) đã thể hiện rất rõ sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) và đã có tác động mạnh mẽ, tích cực đến hoạt động tín dụng chính sách cả nước nói chung và huyện Bù Gia Mập nói riêng.
HIỆU QUẢ NGUỒN VỐN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TỪCHỈ THỊ SỐ 40-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ  TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
Ngay khi Chỉ thị 40 được ban hành, Huyện ủy Bù Gia Mập đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện đến các đơn vị, tổ chức cơ sở Đảng và cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ huyện về nội dung của Chỉ thị 40 và các văn bản của các cấp thẩm quyền liên quan đến việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Nhằm cụ thể hóa nội dung Chỉ thị 40 để đưa vào tổ chức thực hiện, UBND huyện đã ban hành Công văn số 539/UBND-VX ngày 23/7/2015 và giao nhiệm vụ cho các Phòng, ban, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của NHCSXH, văn bản số 1182/UBND-VX ngày 23/11/2021 về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 42-KH/HU ngày 11/11/2021 của Ban thường vụ Huyện ủy về “tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.
Trên cơ sở quán triệt Chỉ thị 40, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Từ đó, hoạt động TDCSXH luôn được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Bù Gia Mập quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động DTCSXH trên địa bàn huyện bằng nhiều giải pháp cụ thể như: Bố trí Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cấp huyện; quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH huyện để bổ sung thêm nguồn lực cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; bổ sung, xác nhận đối tượng vay vốn; chỉ đạo củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng; quan tâm bố trí địa điểm, cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, bố trí lực lượng bảo vệ bảo đảm an ninh, an toàn đối với hoạt động giao dịch của NHCSXH tại Điểm giao dịch xã.
Đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện và các tổ chức chính trị-xã hội (CT-XH) đang quản lý 173 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại tất cả các thôn trên địa bàn huyện với tổng nguồn vốn là 496,86 tỷ đồng trên 8.952 hộ vay vốn còn dư nợ, tăng  303,8 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang là 17,24 tỷ đồng. Đồng thời tổ chức giao dịch xã tại 8/8 xã, hoạt động giao dịch tại xã đã góp phần hỗ trợ hộ vay tiếp cận nguồn vốn TDCSXH và giao dịch trực tiếp với NHCSXH ngay tại trụ sở UBND xã có sự chứng kiến, giám sát của các tổ chức CT-XH nhận ủy thác, Ban quản lý tổ TK&VV và chính quyền địa phương vào ngày giao dịch cố định hàng tháng một cách nhanh nhất, an toàn và thuận lợi nhất.
Nguồn vốn TDCSXH trong 10 năm qua đã giúp cho hơn 23.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa được vay vốn với số tiền là hơn 1.053 tỷ đồng. Trong đó, có 12.158 hộ vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, 1.162 lao động tạo việc làm, 4.074 hộ gia đình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn chi phí học tập, học nghề; 10.773 hộ dân ở nông thôn vay vốn xây dựng được 21.546 công trình nước sạch, công trinh vệ sinh nông thôn, 1.003 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở, 23 hộ vay mua nhà, xây nhà ở xã hội, … Qua đó làm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ năm 2014 là 11,4% đến nay xuống còn 2,3%, góp phần tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con; phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, đảm bảo an sinh xã hội, xâydựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.
Với sự quyết tâm vào cuộc, sự đoàn kết thống nhất của cả hệ thống Chính trị từ huyện đến cơ sở đã lan tỏa các hoạt động TDCSXH đến từng nhà, từng thôn ấp bản làng, đã chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách một cách an toàn, hiệu quả nhất được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao.Từ kết quả trên đã khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Tác giả bài viết: Vũ Thị Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây