Đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Thứ ba - 09/03/2021 08:14 3.591 0
Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã và đang minh chứng rõ nguồn vốn tín dụng luôn ưu tiên hướng đến những đối tượng yếu thế trong xã hội; trong đó, tập trung cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong vùng đồng bào DTTS một cách hiệu quả, thiết thực nhất, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương.
Đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
     Xã Bù Gia Mập là một xã biên giới, xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Bù Gia Mập - nơi gia đình anh Vi Văn Định sinh sống cũng là thôn có điều kiện khó khăn so với mặt bằng chung tại đây. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, đông con; khi đến tuổi lấy vợ lập gia đình, anh Định được bố mẹ cho ra ở riêng. Ngoài chăm chút một số cây trong vườn, đôi vợ chồng trẻ chỉ biết đi làm thuê kiếm sống, luôn mong muốn vươn lên thoát nghèo nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Cô Vi Thị Tiêm - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đak Côn, cùng với Hội nông dân xã, đơn vị nhận ủy thác hướng dẫn, tạo điều kiện để anh Định tiếp cận vốn vay NHCSXH.
image 20210222092815 4
     Vừa vui mừng, vừa xen lẫn lo lắng là tâm trạng của vợ chồng anh Vi Văn Định vì không biết bắt đầu từ đâu, sử dụng vốn vay như thế nào để có hiệu quả. Thấu hiểu tâm tư của bà con, cán bộ tín dụng NHCSXH huyện, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đak Côn đã hướng dẫn cặn kẽ cho hộ vay. Năm 2017, sau khi được nhận 30 triệu đồng vốn vay hộ nghèo, vợ chồng anh Định quyết định đầu tư vào trồng mới và chăm sóc cây điều hy vọng vào một vụ mùa bội thu.
Không dừng lại ở đó với ý thức vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương, năm 2019 anh tiếp tục vay thêm 70 triệu đồng chương trình vốn Hộ Nghèo mua 2 con bò giống và làm chuồng nuôi bò sinh sản, nuôi 1000 con gà. Chỉ sau một năm, 2 con bò đã sinh thêm ra 2 bê con, đàn gà cũng mang lại nguồn thu nhập đều đặn cho gia đình. Năm 2020 gia đình anh tiếp tục được vay thêm nguồn vốn nước sạch vệ sinh môi trường với số tiền 12 triệu đồng để sửa chữa, cải tạo lại giếng nước, nhà vệ sinh đảm bảo nguồn nước sạch cho gia đình. “Cuộc sống của gia đình tôi đã thay đổi rất nhiều. Tất cả là nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, Hội nông dân xã, đặc biệt là NHCSXH huyện Bù Gia Mập đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ tôi có nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên trong cuộc sống”, anh Vi Văn Định cho biết.  
Cũng như gia đình anh Định, gia đình Chị Đinh Thị Hiệu và Quan Văn Cương, có 4 nhân khẩu nhưng chỉ có 2 vợ chồng là lao động chính trong gia đình nuôi 02 đứa con đi học. Gia đình chị tưởng chừng rất khó khăn để nuôi các con học đại học, qua thông tin tuyên truyền, được tổ trưởng hướng dẫn gia đình chị Hiệu đã tiếp cận được nguồn vốn vay Học sinh sinh viên do Ngân hàng CSXH huyện triển khai, với tổng số tiền vay 79,5 triệu đồng, gia đình chị phần nào đã bớt lo lắng về một khoản học phí học tập đầu năm của con, vợ chồng anh chị an tâm, chịu khó làm ăn để cuộc sống ngày càng tốt hơn, các cháu học ra trường có việc làm ổn định, tích lũy trả nợ, đầu tư phát triển kinh tế, không để cái nghèo, cái khổ đeo đuổi mãi- tâm sự của chị Hiệu
     Trong những năm qua, với đặc thù hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đã được NHCSXH huyện Bù Gia Mập chuyển tải đầy đủ đến các đối tượng thụ hưởng, thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Mọi hoạt động của NHCSXH không thể tách rời sức mạnh to lớn của cả hệ thống chính trị - xã hội, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Thông qua công tác vận động, tuyên truyền, bà con DTTS là hộ nghèo vay vốn đã hiểu rõ việc vay vốn ưu đãi là quan hệ tín dụng có vay, có trả, không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, không còn xem đây là một nguồn vốn cứu trợ của Nhà nước mà nhận thức đúng đắn hơn trong việc sử dụng vốn, biết tích lũy trả nợ ngân hàng.
Về phía ngân hàng, luôn tập trung vào nâng cao hiệu quả đồng vốn ưu đãi bằng cách cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, không để vốn tồn đọng lãng phí, kịp thời thu lãi, thu nợ đến hạn, luân chuyển vốn nhanh, hiệu quả. Giám đốc NHCSXH huyện Bù Gia Mập cho biết: Gắn với đồng vốn của ngân hàng là hoạt động cho vay ủy thác qua hội, đoàn thể ở cơ sở, 100% hộ vay chấp hành tốt việc trả lãi hàng tháng, tỷ lệ nợ quá hạn luôn ở mức rất thấp. Thông qua “cánh tay nối dài” này, các chương trình tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, vốn tín dụng đã phát huy vai trò điểm tựa cho bà con DTTS là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đã có nhiều mô hình xóa nghèo bền vững tạo sự lan tỏa rộng rãi, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nói chung và đời sống của một bộ phận hộ nghèo DTTS nói riêng.
     Hiện nay, NHCSXH huyện Bù Gia Mập đang triển khai 14 chương trình tín dụng ưu đãi, tổng dư nợ đạt hơn 255 tỷ đồng với 7.627 hộ dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay hộ đồng bào DTTS đạt hơn 100 tỷ đồng, với 3.061 hộ còn dư nợ. Trong năm 2020 bám sát kế hoạch chương trình giảm nghèo 1000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, cùng với các nguồn hỗ trợ khác, NHCSXH huyện đã triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách giúp 411 hộ nghèo dân tộc thiểu số được tiếp cận vốn, kết quả toàn huyện đã giảm 501 hộ nghèo dân tộc thiểu số đạt 121,9% kế hoạch tỉnh giao.
Phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước. Trên tinh thần đó, tín dụng chính sách xã hội được xác định là một giải pháp căn cơ nhằm tạo điều kiện trợ giúp người nghèo vay vốn kết hợp, hướng dẫn cách làm ăn để phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Bù Gia Mập là một huyện nghèo, đời sống của một bộ phận nhân dân nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn gặp rất nhiều khó khăn khi trình độ sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, một bộ phận không nhỏ người nghèo chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản… Do vậy, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào DTTS luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, coi đây là một trong số nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Tác giả: Nguyễn Thị Thoa-GĐ NHCS huyện

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1.2 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây