Thực hiện Kế hoạch số 168/KH-TU ngày 08/4/2019 của Tỉnh ủy Bình Phước về việc phúc tra, rà soát số liệu và các chính sách thực hiện “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào DTTS của tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”, theo đó giao chỉ tiêu giảm nghèo cho 1000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trong năm 2019 trong toàn tỉnh. Bù Gia Mập được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chọn làm điểm để thực hiện công tác giảm nghèo cho 150 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên tổng số 1323 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số của huyện.
Nhằm thực hiện tốt kế hoạch trên, giúp giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, Huyện ủy Bù Gia Mập đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy làm trưởng ban để chỉ đạo thực hiện.
Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành kế hoạch và khẩn trương triển khai thực hiện việc rà soát, phúc tra đến từng hộ dân để nắm thực tế tình hình đời sống và nhu cầu hỗ trợ thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Kết quả, trong 150 hộ dân có 65 hộ có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở, 77 hộ mong muốn được vay vốn sản xuất, 29 hộ có nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm, 108 hộ có nha cầu hỗ trợ bò giốn, 61 hộ có nhu cầu hỗ trợ khác.
Huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã phân tích cụ thể nguồn lực, nguyên nhân nghèo của các hộ dân từ đó xây dựng phương án ,nhu cầu, nguồn kinh phí và các giải pháp cụ thể để hỗ trợ nhân dân thoát nghèo trong năm 2019 theo kế hoạch.
Theo đó, các nhóm giải pháp chung được đưa ra là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể các cấp đối với công tác giảm nghèo. Phát huy vai trò của UBMTTQVN và các tổ chức đoàn thể trong công tác giảm nghèo
Các nhóm giải pháp riêng cho từng đối tượng cụ thể như sau:
Hỗ trợ vốn sản xuất: UBND các xã rà soát, xác định rõ nhu cầu vay vốn của từng hộ; liên kết chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc vay vốn ưu đãi thông qua hình thức tín chấp qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đảm bảo 100% hộ nghèo đồng bào DTTS có nhu cầu vay vốn được vay đủ vốn với lãi suất ưu đãi và sử dụng đúng mục đích.
Hỗ trợ phương tiện sản xuất: Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và nguồn vốn tín dụng ưu đãi để cấp hoặc cho vay để đầu tư mua sắm các loại máy móc, nông cụ để phát triển sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh dịch vụ khác có thu nhập ổn định.
Hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người lao động gắn với giải quyết việc làm: UBND các xã thống kê, rà soát chính xác nhu cầu học nghề của người lao động để đăng ký mở lớp đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương (gửi Phòng Nội vụ - Lao động – Thương binh và Xã hội huyện để tham mưu tổ chức). Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lao động nông thôn.
Hỗ trợ giải quyết việc làm: Nâng cao vai trò, hiệu quả của các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện nhằm giúp xã viên, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số biết tổ chức sản xuất theo đúng quy trình, mùa vụ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác, từ đó nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định.
Đối với những hộ thiếu lao động, đông người phụ thuộc hoặc chây lười lao động, chi tiêu không hợp lý: Tăng cường tuyên truyền vận động, hướng dẫn từng hộ thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình, tích cực lao động sản xuất; đồng thời phê phán những hộ gia đình có đất, tư liệu sản xuất, có sức lao động nhưng lại chây lười lao động, từng bước xóa tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng; thực hiện chi tiêu tiết kiệm, hợp lý; tăng cường trợ giúp giáo dục, y tế, dạy nghề cho những hộ động bào DTTS nghèo có đông người phụ thuộc là học sinh, sinh viên và các đối tượng phụ thuộc khác
Nhóm giải pháp cải thiện mức độ thiếu hụt các chỉ số tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản như về y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin, giáo dục và đào tạo tiếp tục được UBND huyện đề ra một cách cụ thể để đảm bảo nhu cầu đời sống cho nhân dân, giúp dân giảm nghèo bền vững.
Để tiếp tục thực hiện lộ trình giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND huyện đang xây dựng kế hoạch thoát nghèo cho 150 hộ dân được lựa chọn trong năm 2019 và tiếp tục phương thoát nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn lại trong những năm tiếp theo.
Bài và ảnh: Nguyễn Thị Hương