Ngăn chặn nhiều vụ đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia

Thứ hai - 05/09/2022 15:44 1.629 0
Lợi dụng tình trạng người lao động đang cần tìm việc làm, các đối tượng lừa đảo đã lập ra các trang tuyển dụng trên mạng xã hội như: việc làm Campuchia, Hội người Việt ở Campuchia… để tuyển lao động.
Ngăn chặn nhiều vụ đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia

Công an huyện Lộc Ninh tuyên truyền giúp người dân nâng cao cảnh giác đối với tội phạm mua bán người

Cơ quan Công an đã phát hiện và xử lý hình sự nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động lừa đảo đưa người sang Campuchia làm việc. Riêng trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, từ tháng 7.2021 đến nay, Công an huyện đã phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Bình Phước và lực lượng Biên phòng đóng quân trên địa bàn kịp thời phát hiện, ngăn chặn 4 vụ với 21 trường hợp tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia qua tuyến biên giới huyện Bù Gia Mập.

 

Công an huyện cũng đã tiếp nhận, tham mưu xử lý 4 vụ công dân đến trình báo về việc người thân bị lừa sang Campuchia làm việc, sau đó bị cưỡng bức lao động, bị giam lỏng và đòi tiền chuộc. Trong đó, xã Đức Hạnh 1 trường hợp, xã Bù Gia Mập 3 trường hợp, xã Phước Minh 2 trường hợp. Số tiền phía các cơ sở tại Campuchia yêu cầu người nhà nạn nhân phải đóng thấp nhất là 40 triệu đồng, cao nhất là 400 triệu đồng. Có trường hợp phía gia đình đã đóng tiền chuộc nhưng phía cơ sở lao động vẫn không thả người mà tiếp tục đòi mức tiền chuộc cao hơn.

Dịch bệnh COVID-19 diễn ra thời gian qua làm cho nhiều người không có việc làm nên người dân gặp nhiều khó khăn; một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tạm ngưng hoạt động dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Trong khi đó, ở Campuchia, nhất là địa bàn giáp ranh với Việt Nam xuất hiện một số cơ sở đánh bạc trực tuyến, kinh doanh casino, kinh doanh game online,… Các cơ sở này thông báo tuyển nhân sự trên mạng để tuyển người không có nghề nghiệp ổn định, hoặc người muốn việc nhẹ lương cao từ các tỉnh, thành của Việt Nam và một số nước trong khu vực.

Với những lời dụ dỗ về mức lương khủng mà nhiều người mơ ước, cộng với tiền hoa hồng không giới hạn; kèm theo đó là các chế độ đãi ngộ hấp dẫn như được hỗ trợ chi phí ăn ở, có máy lạnh, được đưa đón từ Việt Nam sang Campuchia, tuyển nhân viên nhưng không yêu cầu bằng cấp, không cần kinh nghiệm, sẽ được đào tạo khi đi làm… Thậm chí họ còn cho ứng tiền trước để lo chi phí xuất cảnh. Rất nhiều người lao động nhẹ dạ, cả tin mắc bẫy, hầu hết nạn nhân là người trẻ tuổi.

Các đối tượng sử dụng nhiều cách để đưa người lao động xuất cảnh sang Campuchia bằng cả đường chính ngạch và trái phép; đưa lao động vào làm việc trong các cơ sở do người Trung Quốc làm chủ (chủ yếu là các casino đánh bạc trực tuyến) với tần suất làm việc cao từ 15-16 tiếng đồng hồ/ngày, nhưng mức lương chỉ từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Ở Campuchia, người lao động bị quản lý chặt chẽ, không được tự do đi lại và liên hệ với bên ngoài. Khi không đáp ứng được tần suất làm việc, chỉ tiêu được giao, họ  bị tra tấn, đánh đập, hành hạ, đối xử thậm tệ. Cái kết sau cùng là các nạn nhân bị đe dọa và đòi tiền chuộc.

Không có việc làm ổn định, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đa số nạn nhân độ tuổi từ 18 đến 35, bị lừa chủ yếu thông qua việc tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu, bất chấp việc vi phạm pháp luật.

Sang được Campuchia họ bị ép làm việc liên tục không được nghỉ ngơi, công việc cũng không như quảng cáo, tiền lương còn bị chúng quỵt mất. Không ít người còn bị ép phải ký nhận giấy nợ, bị bắt nộp tiền bồi thường do không đáp ứng được yêu cầu mà các đối tượng đưa ra; nhiều người muốn về thì bị đòi tiền chuộc cho chi phí đưa sang Campuchia, mặc dù có người đã nộp tiền chuộc nhưng vẫn không được trở về Việt Nam.

Trường hợp nếu ai không làm theo yêu cầu sẽ bị chủ lao động giam lỏng, bỏ đói, đánh đập dã man. Các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản của công dân Việt Nam tại Campuchia chủ yếu ở các khu vực: Bà Vẹt - tỉnh Svay Rieng; Banteay Meanchay - tỉnh Poipet; thành phố Shihanoukvile - tỉnh Preah Shihanouk; Chrey Thom - tỉnh Kandal và thành phố Phnôm Pênh.

Đối tượng cầm đầu các hoạt động cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản chủ yếu là người Trung Quốc, có sự tham gia giúp sức của một số đối tượng là người Việt Nam đang hoạt động tại Campuchia.

Công an huyện Bù Gia Mập khuyến nghị mọi công dân cảnh giác với các mối quan hệ qua mạng xã hội hứa hẹn công việc có thu nhập cao, cá nhân tuyển dụng lao động trên mạng xã hội không có địa chỉ hoặc tư cách pháp nhân tại Việt Nam, tổ chức nhập cảnh trái phép vào Campuchia. Người lao động nên từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là những người lạ, người không thân quen. Tìm hiểu kỹ về công việc, địa điểm tại nước ngoài mình dự kiến đến làm việc, nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.

Công an huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) cũng thường xuyên phối hợp với Công an địa phương và các ban, ngành chức năng ở địa phương tuyên truyền đến người dân về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nạn lừa đảo buôn người sang Campuchia. 

                                                                            Theo Công an nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây