Thay đổi tư duy, nâng cao dinh dưỡng, thể lực từ học đường

Thứ hai - 26/07/2021 18:23 840 0
Những năm qua, cải thiện tầm vóc, thể lực của người Việt Nam luôn là một trong những mục tiêu chiến lược được Nhà nước đặt ra. Đặc biệt, vấn đề nâng cao dinh dưỡng và thể chất cho trẻ em từ các cấp học đầu đời sẽ rất có lợi cho sự phát triển thể lực, tầm vóc của trẻ, lứa tuổi trong “giai đoạn vàng” về phát triển thể chất.
Thay đổi tư duy, nâng cao dinh dưỡng, thể lực từ học đường
Chiều cao thanh niên Việt Nam thay đổi mạnh
Theo kết quả của Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc (2019-2020), chiều cao thanh niên Việt Nam thay đổi mạnh ở nhóm 18 tuổi, đạt 168,1 cm vào năm 2020, tăng 3,5 cm so với năm 2010 (165,4 cm). Chiều cao trung bình nữ 18 tuổi đạt 156,2 cm (năm 2020), đã tăng 1,4 cm so với năm 2010 (154,8 cm). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt với gánh nặng gấp 3 về dinh dưỡng gồm suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng. Trong đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em học đường (5 - 19 tuổi) còn 14,8% (năm 2020). Năm 2010, tỷ lệ này là 23,4%. Đáng lưu ý, chiều cao trẻ em TP dưới 15 tuổi cao hơn 2 cm so với trẻ em nông thôn. Thanh niên TP cả nam và nữ cao hơn 1,2-1,4 cm so với vùng nông thôn nghèo và miền núi. Thực tế, chiều cao người Việt thấp hơn chuẩn quốc tế và tăng rất ít so với yêu cầu đặt ra.
Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, tăng cường chăm sóc dinh dưỡng, kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số Thủ đô. Đơn cử như Hà Nội tiếp tục triển khai và duy trì chương trình phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng, hàng năm cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi. Duy trì hoạt động mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nòi giống. Đặc biệt, Hà Nội đã duy trì hiệu quả chương trình sữa học đường dành cho trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học.
Trong khi đó, với hoạt động thể thao trong trường học, năm 2020, Hà Nội có 98% số trường đảm bảo thực hiện giảng dạy nội khóa tốt cho học sinh. 50% số trường tổ chức hoạt động ngoại khoá thể dục thể thao cho học sinh có nề nếp. Nhiều học sinh đã lựa chọn môn học thể dục làm môn học tự chọn. Sở Văn hóa và thể thao TP đã triển khai các chương trình bơi an toàn, phòng chống duối nước và dạy bơi cho trẻ, tính đến nay đã có 48.000 em được dạy bơi…
Tuy nhiên, theo cô Trần Thị Xuân Hương - giáo viên thể dục trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, hiện nay, môi trường giáo dục toàn diện, đặc biệt là vấn đề giáo dục thể chất ở hầu hết các trường trên toàn quốc chưa đáp ứng được yêu cầu, giáo dục văn hóa thì rất nặng nề, còn giáo dục thể chất bị coi nhẹ, mang tính hình thức. Về phía học sinh, đại bộ phận cũng không có hứng thú với tiết thể dục bởi các tiết học này nhàm chán hoặc học sinh phải học những môn thể dục các em không thích hoặc không có khả năng luyện tập. Đơn cử như môn đá cầu, không phải em nào cũng khéo léo để có thể tập được môn này, hay môn chạy, nhảy cao, nhảy xa, bóng rổ… thì cũng phải tùy vào thể chất của từng em mới có thể tham gia được.
Thay đổi tư duy
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Hiếu - Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục Thể thao cho rằng, vấn đề rèn luyện sức khỏe, luyện tập thể dục thể thao đặc biệt quan trọng với lứa tuổi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường được coi là “giai đoạn vàng” trong phát triển, với đặc điểm của lứa tuổi, giới tính và thể chất, giai đoạn này phát triển mạnh về hệ vận động, chiều cao... Tập trung nâng cao thể chất từ các cấp học đầu đời, sẽ rất có lợi cho sự phát triển thể lực, tầm vóc của trẻ.
Theo nghiên cứu, các vận động nhẹ nhàng như đi lại... không đủ để các hệ cơ xương của trẻ phát triển đạt thông số cần thiết. Trẻ cần chơi thể thao hơn 3 lần một tuần mới hình thành thói quen và đạt hiệu quả tốt. Do nhu cầu về vận động và dinh dưỡng của trẻ em đòi hỏi cao như vậy, cần giáo dục cho các em về nhận thức, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc rèn luyện thể thao hằng ngày, để nâng cao ý thức tự tập luyện thường xuyên. Các trường cần định hướng và tạo ra môi trường lành mạnh, có các phương tiện và loại hình tập luyện đa dạng phù hợp đặc điểm lứa tuổi, giới tính thu hút học sinh tích cực tham gia. Có như vậy, các em mới có cơ thể phát triển khoẻ mạnh và đáp ứng được yêu cầu xã hội, đặc biệt là trong tình hình mới, khi con người cần có sức khoẻ trên nền tảng trí tuệ thông minh.
Đề cập đến vấn đề này, TS Đàm Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Thông tin Thể dục thể thao, Tổng cục Thể dục Thể thao cho hay, về dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế, sau 12 năm mới thay đổi một lần tháp dinh dưỡng, chủ yếu tập trung vào học sinh bán trú và mầm non. Các trường học cho học sinh ăn theo tháp dinh dưỡng, nhưng thiếu hướng dẫn các con về tập luyện thể dục thể thao, hay đúng hơn là rất ít. 81 quốc gia và vùng lãnh thổ dạy giáo dục thể chất nguyên ngày, hoặc nguyên buổi. Còn nước ta chỉ dừng lại ở 45 phút. Sự kỳ vọng dùng thể dục, thể thao tác động đến phát triển thể chất, thể lực sẽ không ổn nếu vẫn duy trì cách làm cũ. Nếu tăng 2-4 giờ học một tuần với cấu trúc 45 phút/ tiết học, thì không có tác động nào đáng kể.
“Nếu chúng ta giữ mãi tư duy “do không đủ ăn dẫn đến thấp còi” là hoàn toàn sai. Vì hiện nay, quan trọng là nhận thức và chỉ dẫn khoa học về sử dụng dinh dưỡng, vệ sinh học đường, tập luyện thể dục thể thao đúng cách, đúng thời điểm sẽ giúp gia tăng về thể lực tầm vóc cho học sinh, ngoài những yếu tố về di truyền. Riêng đối với lứa tuổi học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, việc giáo dục thể chất cho các em phải đúng cách, đúng thời điểm. Đơn cử như thời điểm vàng thì sẽ tác động vào sụn, xương, cơ… Bên cạnh đó, việc tập luyện thể lực phải đúng cách. Phong trào thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ trong nhà trường, thí điểm tại các tỉnh/TP đã được khôi phục lại. Phong trào phòng, chống đuối nước cũng được lồng ghép thêm vào Đề án 641” – TS Đàm Quốc Chính nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần xây dựng chiến lược quốc gia cho giai đoạn mới phù hợp với từng nhóm đối tượng. Những mô hình như “Mô hình điểm bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên” sẽ góp phần cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng chiến lược này. Dựa trên kết quả của mô hình, các nhà khoa học cũng có thêm tư liệu để khuyến nghị các giải pháp can thiệp, cách thức tiếp cận, xây dựng chính sách… để phát triển tầm vóc người Việt.
Với sự chênh lệch về chiều cao giữa trẻ ở nông thôn và thành thị, chiến lược dinh dưỡng giai đoạn tới sẽ phải tập trung mạnh mẽ hơn với vùng nông thôn nghèo, vùng hay xảy ra thiên tai và vùng miến núi. Các bậc phụ huynh nâng cao hơn sự hiểu biết về tầm quan trọng của 1.000 ngày đầu đời. Đây là giai đoạn duy nhất trong cuộc đời trẻ có thể tăng trưởng chiều cao trên 10 cm trong một năm. Thậm chí, nếu các bà mẹ chăm sóc con tốt, chiều cao của bé có thể tăng 12-14 cm/năm. Bỏ lỡ giai đoạn này thì dù sau có thể phát triền bù nhưng không bao giờ đạt được mức như những trẻ được nuôi dưỡng tốt. Đặc biệt, chị em phụ nữ ngay từ giai đoạn tiền thai kỳ cần ăn uống đầy đủ theo Tháp dinh dưỡng mà Bộ Y tế đã phê duyệt, đồng thời cần được bổ sung vi chất đầy đủ. Bên cạnh đó, các DN cần chung tay thực hiện nghiêm túc Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường vi chất vào thực phẩm, không nên bao biện các lý do đề thực phẩm nghèo dinh dưỡng được hộ gia đình tiêu thụ.
GS.TS Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây