Sáng ngày 03/01/2025 Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bù Gia Mập phối hợp với 4 tổ chức Chính trị - Xã hội (CT-XH) huyện tổ chức họp giao ban định kỳ nhằm tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động ủy thác năm 2024 và đưa ra phương hướng nhiệm vụ thực hiện trong năm 2025.
Để triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu vốn ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trong năm 2024 NHCSXH huyện phối hợp với 4 tổ chức CT-XH nhận ủy thác huyện triển khai thực hiện đạt được kết quả như sau: Tổng giải ngân các nguồn vốn với số tiền là 169.408 triệu đồng, hỗ trợ cho 887 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết cho 71 lượt người lao động vay vốn chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; 810 lượt hộ vay vốn sản xuất kinh doanh; 287 lượt hộ vay vốn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; 2.550 lượt hộ vay vốn xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh đạt chuẩn quốc gia; 15 lượt thương nhân vay vốn phát triển kinh tế vùng khó khăn; 8 căn nhà từ vốn vay nhà ở xã hội, . . .
Đến ngày 31/12/2024 toàn huyện có 179 tổ TK&VV, với tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức CT-XH là 526.768 triệu đồng, chiếm 99,84%/tổng dư nợ trên địa bàn huyện, tăng 83.853 triệu đồng so với đầu năm; chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,05%/tổng dư nợ, có 7/8 xã không có nợ quá hạn; công tác huy động tiền gửi thông qua tổ TK&VV với số dư là 32.524 triệu đồng/9.080 hộ vay tham gia, chiếm tỷ lệ 98,87%/tổng số hộ vay vốn, đạt 100% kế hoạch tăng trưởng được giao trong năm 2024.
Các tổ chức CT-XH cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác kiểm tra giám sát định kỳ, đột xuất và tại điểm giao dịch xã, nắm bắt kịp thời những vướng mắc khó khăn ở cơ sở, tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện phương án tự củng cố nâng cao chất lượng tín dụng tại các xã, đặc biệt là công tác xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn, lãi tồn đọng cũng như công tác củng cố kiện toàn ban quản lý tổ TK&VV hoạt động chưa hiệu quả.
Công tác giao dịch xã, giao ban định kỳ với hội đoàn thể, các tổ TK&VV luôn được duy trì thường xuyên nhằm đánh giá kết quả thực hiện ủy thác, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và đề ra phương hướng hoạt động cho những tháng tiếp theo. Từ kết quả đạt được cho thấy hoạt động ủy thác đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, quy mô tín dụng ngày càng được mở rộng. Từ đó, tạo sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen” và góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trong năm 2025, để hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua các tổ chức Chính trị Xã hội tiếp tục được khẳng định là một kênh dẫn vốn quan trọng để tín dụng chính sách xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.
Phòng giao dịch NHCSXH huyện cùng 4 tổ chức CT-XH nhận ủy thác cấp huyện thống nhất đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 như sau: Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội gắn với kế hoạch các Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bám sát các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, thường xuyên ra soát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tổ chức triển khai họp bình xét cho vay công khai, dân chủ, đúng đối tượng thụ hưởng, đúng quy trình; tập trung giải ngân các nguồn vốn được giao và nguồn vốn thu hồi trong năm đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn trong nhân dân để bà con có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện phương án tự củng cố nâng cao chất lượng tín dụng cấp huyện, cấp xã nhằm xử lý kịp thời nợ đến hạn, nợ quá hạn và lãi tồn đọng, … tích cực tuyên truyền công tác huy động tiền gửi thông qua tổ TK&VV, huy động dân cư tại điểm giao dịch xã; tăng cường công tác kiểm tra giám sát tại cơ sở, hạn chế tình trạng hộ vay bỏ đi khỏi địa phương khi chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ, làm tốt từ khâu tổ chức bình xét vay vốn, kiểm tra trước, trong và đặc biệt là kiểm tra sau khi vay vốn trong vòng 30 ngày kể từ ngày ngân hàng giải ngân cho hộ vay, đảm bảo hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, giúp hộ vay sử dụng vốn vay hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bên vững.
Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là chương trình cho vay học sinh sinh viên, Người chấp hành xong án phạt tù, Nhà ở xã hội,.... Đồng thời, động viên, kích lệ, tạo tâm lý tự tin, ý chí thoát nghèo để người nghèo, đối tượng chính sách mạnh dạn tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng vốn và hoàn trả vốn vay, từ đó bảo toàn và phát triển nguồn vốn và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách góp phần thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện./.