(Chị Phượng ở thôn Bình Tân, xã Phước Minh bên mô hình kinh tế gia đình)
Điển hình như chị Trần Thị Phượng ở thôn Bình Tân, xã Phước Minh năm 2019 gia đình vay 50 triệu đồng vốn SXKD từ NHCSXH huyện thực hiện dự án chăn nuôi dê. Với diện tích 1,5 ha vườn tiêu và cây ăn trái sẵn có, gia đình chị Phượng nuôi 15 con dê, tận dụng nguồn thức ăn dồi dào từ nọc tiêu là lá cây keo và trồng thêm cỏ xung quanh vườn. Đồng thời tận dụng phân dê để chăn bón cây tiêu, cây ăn trái, nhờ sự cần cù chịu khó học hỏi mà đàn dê của gia đình chị Phượng sinh trưởng và phát triển rất nhanh, vườn tiêu tươi tốt năng suất đạt cao. Nhận thấy mô hình kinh tế gia đình có chiều hướng phát triển tốt, vợ chồng chị có công ăn việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định. Năm 2021 chị Phượng mạnh dạn vay thêm 100 triệu nguồn giải quyết việc làm, có thêm vốn chị Phượng mạnh dạn mở rộng mô hình, đầu tư thêm hệ thống tưới tiêu, dê giống, chuồng trại, . . . Đến nay đàn dê của chị Phượng lên đến hơn 60 con, trong đó có hơn 40 con là dê thương phẩm, còn lại là dê sinh sản, nhờ được đầu tư thêm vốn nên nguồn thức ăn cho dê luôn được đảm bảo, cộng với lượng phân dê lớn đã giúp gia đình chị Phượng có nguồn phân bón đảm bảo cho các loại cây trồng trong vườn luôn được chăm sóc, tưới tiêu đầy đủ, cây đạt năng suất hiệu quả cao. Mỗi năm thu nhập bình quân của gia đình giao động từ 300 đến 350 triệu đồng.
Chị Phượng chia sẻ: Trước đây chưa được vay vốn của NHCSXH hai vợ chồng chúng tôi chỉ có 1,5 ha vườn trồng đủ các loại cây như tiêu, cà phê, sầu riêng, . . . hàng ngày vợ chồng đi làm thuê lấy tiền sinh hoạt nuôi hai con nhỏ ăn học, không có vốn đầu tư vào vườn nên cây cối không được chăm sóc, thu chẳng được bao nhiêu. Từ khi được vay vốn NHCSXH, có vốn đầu tư, vừa nuôi dê, vừa chăm sóc vườn, vợ chồng không phải đi làm thuê nữa vì ở đã có việc làm còn có thời gian chăm sóc con cái, lại có nguồn thu nhập ổn định. Cũng theo chị Phượng, nhờ vốn vay mà gia đình chị mới có điều kiện đầu tư vào chăn nuôi, chăm sóc vườn cây để có việc làm ổn định và nguồn thu nhập trang trải cuộc sống tốt hơn trước đây rất nhiều. Ý thức được điều đó nên trong quá trình vay vốn chị Phượng luôn chấp hành trả lãi hàng tháng và gửi tiết kiệm đều đặn để tích lũy nguồn trả nợ dần.
Dự nợ nguồn vốn tín dụng chính sách do Hội LHPN huyện quản lý đến nay đạt trên 117 tỷ đồng, 3.635 lượt hội viên vay vốn, chiếm tỷ lệ 31,56% tổng nguồn vốn ủy thác trên toàn huyện. Từ nguồn vốn vay đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế có nguồn thu nhập cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nhiều chị em phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhận thấy hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi, chị Điểu Thị Ngơu ở thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập. Gia đình chị Ngơu thuộc hộ nghèo của xã, vợ chồng chị không có việc làm ổn định, năm 2018 gia đình chị Ngơu vay 50 triệu nguồn vốn từ NHCSXH đầu tư 2 con bò giống, nhờ có sự định hướng, tư vấn của Hội LHPN xã, hướng dẫn chăm sóc của cán bộ thú ý xã cộng với sự siêng năng chăm chỉ của 2 vợ chồng chị, sau một năm sinh thêm được 2 con bê con, sau nhiều năm chăn nuôi nhân đàn, bán bớt để lấy tiền mua phân bón vườn điều và đóng học cho con thì đến nay đàn bò của gia đình chị Ngơu 3 con bò mẹ và 4 con bò tơ. Chị vui vẻ nói: đàn bò đó là cả gia tài của nhà chị đó, chị cười vang!
Ngoài ra chị Ngơu còn là tổ trưởng tổ TK&VV đã giúp nhiều chị em đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn chính sách để đầu tư chăn nuôi và chăm sóc vườn điều, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho gia đình. Chị Ngơu chia sẻ, ngày xưa chưa biết làm ăn, chị em đồng bào không dám vay vốn vì vay về không biết làm gì, ăn xài hết thì không trả được nợ. Sau này, được sự chỉ dẫn của chi hội phụ nữ thôn, Hội phụ nữ xã, chị em tích cực tham gia sinh hoạt biết được nguồn vốn của NHCSXH mới mạnh dạn vay vốn làm ăn chăm nuôi, có tiền cho con ăn học, chị em rất vui và tham gia sinh hoạt cũng như chấp hành đóng lãi, gửi tiên tiết kiệm đầy đủ hàng tháng.
Giám đốc NHCSXH huyện Bù Gia Mập Nguyễn Thị Thoa cho biết: Hiện nay, tất cả các chương trình tín dụng chính sách đều phát huy vai trò, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của các đối tượng thụ hưởng. Hằng năm, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần cùng với cấp ủy và chính quyền các cấp hỗ trợ hàng trăm lượt hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, thông qua các chương trình tín dụng chính sách còn hỗ trợ vốn cho hàng nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khan vay vốn trang trải chi phí học tập, hàng nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, tao việc làm và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội khác. Từ đó, thúc đẩy đổi mới diện mạo nông nghiệp – nông thôn – vùng đồng bào DTTS và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Có thể khẳng định, việc triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Bù Gia Mập đã tiếp thêm động lực để chị em phụ nữ mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn, thay đổi cách nghĩ, cách làm, đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình ôn định thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của đại phương.