Sinh ra trong gia đình nghèo khó, thiếu thốn đủ bề, từ nhỏ, Điểu Dương (1986), đội 3, thôn Bình Hà 2 đã mang trong mình ý chí vươn lên, thoát nghèo mạnh mẽ. Là con lớn trong gia đình, anh sớm gánh vác việc nhà, đi làm từ nhỏ để phụ giúp kinh tế gia đình. Lấy vợ rồi sinh con ở tuổi còn rất trẻ, những biến cố không mong muốn đã khiến số tiền tích lũy ít ỏi của đôi vợ chồng cứ thế đội nón ra đi.Gia đình Điểu Dương trở thành hộ nghèo của xã.Hai vợ chồng bàn bạc với nhau,quyết tâm thoát cảnh nghèo đói.Tự nhận thấy vốn liếng lớn nhất của mình là sức khỏe, anh nhận làm thuê đủ mọi việc, ai thuê gì thì làm nấy.Ngày đi phụ hồ, cắt cành, tối đến đi cạo mủ cao su, mỗi ngày anh chỉ được ngủ khoảng 5 tiếng đồng hồ. Vợ anh thì tay bồng con, tay cạo điều, khi có việc thì gửi con cho ông bà, đi làm phụ chồng. Cứ miệt mài cố gắng làm việc và tích lũy, 2 năm sau, gia đình anh chị không chỉ thoát nghèo thành công, mà còn mua được 3000 m2 rẫy, điều mà trước đây có nằm mơ anh cũng không dám nghĩ tới. Nhờ biết tính toán, anh mua mỗi lần vài sào đất, sau đó dồn điền, đổi thửa, đến nay vợ chồng anh đã có được 2ha điều cho thu hoạch.
Đội 3, thôn Bình Hà 2 có 2ha điều tập thể, Ban thôn tín nhiệm và giao cho anh Dương quản lý. Anh được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây điều, sau đó trở về phổ biến cho bà con trong tổ hợp tác.Anh cũng là người giữ quỹ, lên kế hoạch chăm sóc vườn điều. Mỗi khi có việc, anh phát thông báo đến từng nhà để gia đình đó cử người đi lao động tập thể. Cuối mỗi vụ điều, anh tổ chức họp dân, công khai các khoản thu – chi trong vụ, sau khi trừ các chi phí và giữ lại một phần để phục vụ cho vụ điều tiếp theo, số tiền còn lại được anh chia cho các hộ tùy theocông sức đóng góp trong vụ điều vừa rồi. Cũng nhờ vườn điều tập thể, tổ hợp tác trích ra một khoản tiền để làm tất niên cuối năm. Năm nào được mùa, được giá thì mổ trâu, năm nào thu nhập thấp hơn thì mổ heo, người dân đội 3 năm nào cũng có cho mình một buổi tất niên vui vẻ, đoàn kết,để rồi sau đó lại bắt tay vào những vụ mùa mới với những niềm vui rộn ràng.
Chung tay xây dựng quê hương
Từ đội 3, thôn Bình Hà 2 có một con đường mòn, xuyên qua rẫy nhà dân, băng qua cánh đồng, nối liền với xã Long Điền, Thị xã Phước Long. Đây là con đường chính của người dân để đi làm nương, làm rẫy, nhưng chỉ đủ 1 xe máy đi qua, lại hết sức trơn trượt, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2016, Ban thôn tổ chức họp dân lấy ý kiến về việc tu sửa và mở rộng con đường. Mặc dù biết rằng để làm đường thì 17 cây điều già, có diện tích lên tới 400 m2 đất của gia đình mình sẽ bị cắt bỏ, anh Dương vẫn là một trong những người nhiệt tình nhất với chủ trương của Ban thôn, không những thế anh còn vận động người dân cắt cây, hiến đất để làm đường. Nhiều người hỏi anh rẳng số điều, số đất ấy, anh phải tích cóp bao nhiêu năm mới có được, nếu để lại thì hàng năm cũng thu được kha khá tiền, tại sao lại đồng ý cưa đi. Anh trả lời rằng anh tin chủ trương của Ban thôn, tin rằng những đóng góp của mình sẽ giúp người dân trong thôn đi lại dễ dàng hơn, con cháu sau này đi học cũng thuận tiện hơn. Sự thẳng thắn, nhiệt tình và chân thật của anh đã làm cho các hộ dân chuyển ý, đồng thuận cắt cây, hiến đất. Đoạn đường rộng 4m, dài hơn 500m, tương đương 2ha vườn rẫy được giải phóng, san ủi. 27 triệu đồng đã được người dân đóng góp để tu sửa con đường (gia đình anh Dương đóng góp 5 triệu), trong đó 20 triệu để mua đất, 7 triệu thuê xe ủi mặt bằng. Đường đã làm xong, rộng rãi, bằng phẳng, xe hơi, xe máy cày sẽ vào được tận vườn, rẫy, việc đi lại, giao thương đã thuận lợi hơn rất nhiều.2017 là một năm “bội thu” làm đường ở thôn Bình Hà 2 khi vừa được đầu tư xây dựng một tuyến đường giao thông nông thôn, vừa giải phóng mặt bằng để thi công đường liên tỉnh ĐT 760. Như thường lệ, Điểu Dương lại là người giúp việc đắc lực của Ban thôn, tích cực vận động nhân dân đóng góp làm đường, tựgiác giải phóng các công trình lấn chiếm mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Những đóng góp không mệt mỏi của Điểu Dương đã và đang giúp cho diện mạo của thôn đồng bào DTTS Bình Hà 2 ngày càng khởi sắc.Hơn thế nữa, ý chí, nghị lực và mong muốn cống hiến của anhđã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng bà con đồng bào dân tộc Stiêng trên địa bàn xã ĐaKia, để mỗi gia đình, mỗi cá nhân người đồng bào dân tộc thiểu số không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước mà dám nghĩ, dám làm, nỗ lực lao động để vươn lên thoát nghèo và cống hiến cho quê hương. Anh chia sẻ: “Thôn Bình Hà 2 ngày nay vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng của người S’Tiêng, đó là nhờ công sức rất lớn của các già làng, vậy thì những người trẻ bây giờ phải lo làm kinh tế thôi, phải tìm cách để cho mình thoát nghèo, cho người đồng bào mình thoát nghèo, để con cháu người S’Tiêng sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Nhờ những tấm gương như Điểu Dương và sự đồng lòng của nhân dân mà những năm qua xã Đa Kia luôn đạt và vượt những chỉ tiêu Nghị quyết được giao, năm 2018 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Giai đoạn 2021 – 2025 xã được chọn triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của anh, năm 2020 Điểu Dương đã vinh dự được tuyên dương, khen thưởng tại Đại hội Thi đua yêu nước huyện Bù Gia Mập lần thứ III và Đại hội Thi đua yêu nước tình Bình Phước lần thứ V. “Đối với mình, đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm để nhắc nhở bản thân phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, nhà nước, sự tin tưởng của bà con đồng bào mình” Dương nói.
Rời khỏi thôn Bình Hà 2, chia tay Dương tôi còn mãi ấn tượng với đôi mắt đầy nhiệt huyết và nụ cười hiền của chàng trai đồng bào dân tộc thiểu số ấy, tôi có một niềm tin thật lớn rằng có nhiều người trẻ như Điểu Dương, rồi đây đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bù Gia Mập nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung sẽ ngày càng đổi thay, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ cùng với chính quyền chung tay, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày giàu mạnh.