Chàng "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" đến từ Bình Phước là người rời nước Pháp về làm nông nghiệp số
Thứ hai - 05/09/2022 15:502.3840
Rời nước Pháp với mức lương hàng nghìn euro, anh Đặng Dương Minh Hoàng trở về quê theo đuổi con đường làm nông nghiệp số ở tỉnh Bình Phước. Vườn trồng tiêu, trồng trái cây của anh hiện cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm và anh trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.
Chân dung chàng nông dân 8X đạt Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 tỉnh Bình Phước. Ảnh: Quang Sung
Có hơn 10 năm theo học, sinh sống và làm việc tại Pháp với vai trò kỹ sư, tuy nhiên sau một biến cố gia đình, anh Hoàng quyết định trở về quê tiếp nối cha làm nông nghiệp. Hiện anh Minh Hoàng đang là chủ trang trại Thiên Nông (thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước).
Trang trại Thiên Nông có tổng cộng 50 hecta, trong đó 30 hecta trồng cao su, 8 hecta tiêu và 12 hecta bơ - thương hiệu bơ Ông Hoàng. Tất cả cây trồng trong vườn anh Minh Hoàng đều có thể theo dõi từ xa, nhờ áp dụng công nghệ IoT (Internet of thing) vào cây trồng.
Áp dụng nông nghiệp số tối đa cho từng cây trong vườn
Trở về Việt Nam nối nghiệp cha, anh Hoàng nhận thấy nông nghiệp tại quê nhà còn nhiều khó khăn, người nông dân còn lắm vất vả. "Xuất thân từ gia đình nhà nông, từ nhỏ tôi đã có khao khát ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp. Thấy những người xung quanh mình bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng hiệu quả không cao, từ đó thôi thúc tôi ứng dụng tự động hóa vào nông nghiệp. Mục đích giúp bà con đỡ vất vả, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp", anh Hoàng nói.
Sau thời gian nghiên cứu, đến nay anh Hoàng đã đưa vào sử dụng app AutoAgri do anh cùng cộng sự phát triển. Đây là ứng dụng giúp người nông dân có thể theo dõi toàn bộ vườn của mình thông qua thiết bị thông minh.
Tại những gốc cây trồng, anh Hoàng trang bị bộ cảm biến cung cấp thông tin về độ ẩm, nhiệt độ, dinh dưỡng của đất. Những cảm biến này đóng vai trò như một người giám sát, liên tục cập nhật thông tin về cho chủ vườn.
"Nếu thông số báo về độ ẩm thấp, người nông dân có thể chọn lệnh tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tưới từng gốc cây trong vườn trên ứng dụng. Sau đó tín hiệu sẽ được truyền đến van điện từ đóng mở cho phù hợp", anh Hoàng nói về hệ thống mà anh đang sử dụng.
Ngoài ra thông qua ứng dụng, người nông dân cũng có thể thực hiện các chức năng khác như: bón phân, theo dõi nông dân cắt cỏ, thu hoạch sản phẩm, theo dõi an ninh tại vườn...
"Với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước và chủ Nông trại Thiên Nông, thời gian qua anh Hoàng đã tư vấn và chuyển giao công nghệ cho hàng chục doanh nghiệp. Từ đó nhân rộng các giải pháp kỹ thuật đơn giản nhưng hiệu quả, hướng tới hình thành các trang trại vệ tinh, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số địa phương", bà Đào Thị Lanh – Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bình Phước cho biết.
Hiện anh Hoàng đang cho triển khai dự án số hóa từng cây - mỗi cây là một trang web. Theo anh Hoàng, đối với mô hình này người tiêu dùng khi mua những quả bơ, hay bất kỳ sản phẩm nào khác của vườn, sẽ truy xuất được toàn bộ thông tin về sản phẩm đó.
"Thông qua app, người mua có thể biết được quy trình cho ra một trái bơ. Biết được quả bơ này đã bón phân gì, tưới nước như thế nào, khi nào thu hoạch. Người mua theo dõi được toàn bộ quy trình phát triển của quả bơ từ lúc còn là hoa trên cây, cho đến khi nằm trên tay người tiêu dùng", anh Hoàng chia sẻ.
Đến nay, trang trại của anh Hoàng là một trong những trang trại ứng dụng thành công IoT (Internet of thing) vào nông nghiệp. Mô hình của anh trở thành mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu của tỉnh Bình Phước.
Chuyển đổi nông nghiệp số không thể đi một mình
Mô hình số hóa trong nông nghiệp của anh Hoàng bước đầu gặt hái được những thành công nhất định. Anh thường xuyên được mời đi dạy, chia sẻ tại những buổi hội thảo về số hóa trong nông nghiệp.
Được nhiều người quan tâm đến mô hình mình xây dựng, anh Hoàng nhận thấy cần chia sẻ những giá trị này với cộng đồng. Trong nông nghiệp, anh Hoàng luôn quan niệm "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau". Xuất phát từ lý do đó, anh đã thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước.
Anh Hoàng cho biết, mục đích xây dựng HTX là để mọi người giao lưu, chia sẻ về kỹ thuật, công nghệ số trong nông nghiệp. Đồng thời hỗ trợ bà con chuyển giao công nghệ và xây dựng thương hiệu. Thông qua HTX đảm bảo tạo đầu ra ổn định cho nông sản của bà con.
Bà Đào Thị Lanh – Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bình Phước, cho biết: "Trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, nông trại Thiên Nông của nông dân Đặng Dương Minh Hoàng đã hỗ trợ hàng chục hộ nông dân tại Bình Phước tiêu thụ nông sản, thông qua việc liên kết với các kênh siêu thị tại TP.HCM. Bên cạnh đó anh Hoàng còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ đồng bào vượt qua khó khăn, chung tay đẩy lùi Covid-19".
Hiện HTX do anh Hoàng làm giám đốc có 12 thành viên chính thức. Các thành viên đều được hướng dẫn sử dụng app AutoAgri. Nông sản từ các thành viên phải được chăm sóc theo quy trình chung, đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng. "Khi người nông dân sử dụng app AutoAgri, họ sẽ được cung cấp kiến thức về quy trình canh tác, chăm sóc cây trồng. Từ đó đảm bảo chất lượng nông sản cho ra không có sự chênh lệch giữa vườn mình và vườn bà con. Có như vậy thì việc xuất bán ra thị trường trong nước và thậm chí là nước ngoài mới thuận lợi", anh Hoàng cho hay.
"Trong vai trò Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước, nông dân Đặng Dương Minh Hoàng đã chủ động tham gia các hội nghị, hội thảo kết nối giao thương với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Góp phần quảng bá hình ảnh nông sản Bình Phước và tìm các đầu mối để giúp một số nông dân, doanh tìm đầu ra cho nông sản địa phương", ông Trần Quốc Duy - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước cho hay.
Ngoài 12 thành viên HTX đang sử dụng, app AutoAgri còn được anh Hoàng chia sẻ miễn phí đến 1.400 hộ nông dân, cơ sở điểm khác tại Bình Phước. Đến nay nhiều nhà vườn trên địa bàn tỉnh Bình Phước, đã tiếp cận được mô hình của anh Hoàng và bước đầu có những thành công.
Đối với chàng nông dân trẻ, mục đích lớn nhất chính là phát triển thương hiệu nông sản Bình Phước, nâng cao đời sống người nông dân. "Tối ưu quá trình logistics, kết nối người nông dân với khâu thu mua cuối cùng. Nâng tầm giá trị nông sản Việt, xây dựng thương hiệu nông sản để đời cho cá nhân và gia đình xã hội. Giảm chi phí, tạo thương hiệu, tăng lợi nhuận mang và ngoại tệ về cho quốc gia. Đó là tất cả mục đích của tôi", anh Hoàng khẳng định.
https://danviet.vn