Từ 1-7, chỉ dùng tài khoản VNeID khi làm dịch vụ công trực tuyến

Thứ năm - 13/06/2024 08:45 228 0
(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện khẩn trương hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển dữ liệu về dân cư, kết nối, chia sẻ dữ liệu, chuyển đổi số…
Từ 1-7, chỉ dùng tài khoản VNeID khi làm dịch vụ công trực tuyến
Ngày 10-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị sơ kết một năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử (TMĐT), nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết một năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06. Ảnh: VGP

Đơn giản hóa 763/1.084 thủ tục, giấy tờ về quản lý dân cư
Ghi nhận kết quả đạt được một năm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đã có sự chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu nhằm tháo gỡ năm “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 và Chỉ thị 18.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Đã đơn giản hóa 763/1.084 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư và công bố, cập nhật công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia; có 62/63 địa phương đã ban hành nghị quyết về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đề án 06 đã cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm cho Nhà nước, xã hội gần 3.500 tỉ đồng/năm. Đã chính thức triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại TP Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên-Huế, bước đầu phát huy hiệu quả (với nhu cầu 2,6 triệu phiếu lý lịch tư pháp trên toàn quốc hằng năm, dự kiến tiết kiệm khoảng 637 tỉ đồng/năm)…
Cùng với đó, ứng dụng VNeID được người dân hưởng ứng sử dụng với số lượng truy cập khoảng 29,3 triệu lượt/tháng; doanh nghiệp xác thực căn cước khoảng 500.000 lượt/tháng; 100% học sinh nộp hồ sơ và xét điểm ưu tiên thông qua dữ liệu dân cư.

Thu thuế với dịch vụ livestream còn thất thoát
Dù vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá công tác triển khai Đề án 06 và kết nối, chia sẻ dữ liệu vẫn đối diện với một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, tiến độ xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách còn chậm so với yêu cầu. Vẫn còn 3/6 nghị định chưa được ban hành đúng thời hạn và một địa phương chưa hoàn thành việc ban hành các nghị quyết miễn, giảm phí, lệ phbàí thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm, vẫn còn 317 thủ tục được quy định tại 65 văn bản quy phạm pháp luật cần tiếp tục sửa đổi.
Thể chế, cơ chế, chính sách về TMĐT còn chậm thay đổi, chưa bám sát tình hình thực tế và phù hợp với thông lệ quốc tế; chưa xây dựng chiến lược về phát triển TMĐT mang tính dài hạn.
Cùng với đó, việc phát triển hạ tầng số còn nhiều bất cập, chưa khắc phục được tình trạng “manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt và co cụm dữ liệu”. Vẫn còn các thôn, bản “trắng” sóng, “lõm” sóng, chưa có điện lưới...
Triển khai định danh và xác thực điện tử, đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông... còn chậm; định danh, xác thực cá nhân, tổ chức, triển khai hóa đơn điện tử gặp nhiều khó khăn, rào cản.
Thủ tướng cũng cho rằng công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi còn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng tấn công mạng có xu hướng gia tăng. Vẫn còn tình trạng chưa bảo đảm về an toàn thông tin, lộ, lọt dữ liệu công dân, gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.
“Đặc biệt, việc quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream, TMĐT, dịch vụ ăn uống ở các địa phương… còn thất thoát…” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu từ 1-7, chỉ dùng tài khoản VNeID khi làm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: VGP

Áp dụng hóa đơn điện tử trong bán hàng livestream
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là lãnh đạo các đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tự tin, đổi mới.
Ông nhắc lại tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”, phát huy quyết tâm “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là có kết quả cân đong đo đếm được”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể để xử lý dứt điểm các điểm nghẽn, tồn tại.
Nêu cụ thể năm nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển dữ liệu về dân cư, kết nối, chia sẻ dữ liệu nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung; các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực, sáng tạo theo thẩm quyền, không trông chờ, không ỷ lại.
Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ Công an, Tài chính, Công Thương, Nội vụ, TT&TT và Văn phòng Chính phủ trong yêu cầu hoàn thiện thể chế.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Căn cước, thống nhất phương án đơn giản hóa triệt để 317 thủ tục hành chính liên quan đến khai thác dữ liệu công dân.
Bộ Tài chính cũng được giao khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 123/2020 về áp dụng hóa đơn điện tử đối với các giao dịch TMĐT, dịch vụ livestream, dịch vụ ăn uống...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân. “Bảo đảm các điều kiện cần thiết để từ ngày 1-7-2024 chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử” - Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế, thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là trong quản lý hoạt động TMĐT…
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các đơn vị, địa phương trong thời gian tới tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06; kết nối, chia sẻ dữ liệu nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy TMĐT nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, mang lại lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Tiến tới sử dụng mã số định danh cá nhân thay mã số thuế

Theo kết quả báo cáo tại hội nghị, các cơ quan liên quan đã đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu để tăng cường quản lý thuế và phát triển TMĐT.
Cụ thể, đã rà soát thông tin của cá nhân, hộ kinh doanh để tiến tới sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế với tỉ lệ khớp đúng đạt trên 91%; có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID để thực hiện thủ tục thuế trên ứng dụng eTax Mobile.
Cơ quan chức năng cũng đã chia sẻ dữ liệu về 929 sàn giao dịch TMĐT, 284 ứng dụng bán hàng trên mạng và 144 triệu tài khoản thanh toán tại 96 ngân hàng thương mại.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước NGUYỄN THỊ HỒNG:

Đã cung cấp hơn 130 triệu tài khoản thanh toán

Với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, đầu tháng 11-2023, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo ngân hàng, trung gian thanh toán kết nối cung cấp thông tin với các cơ quan thuế. Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cung cấp cho Bộ Tài chính hơn 130 triệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề nghị Bộ Tài chính thống nhất giao Tổng cục Thuế là đơn vị đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin tài khoản thanh toán của người nộp thuế từ các tổ chức tín dụng để cho phép các cơ quan quản lý thuế khác khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế.
Tuy nhiên, thông tin, dữ liệu về tài khoản thanh toán của người nộp thuế là các thông tin nhạy cảm, đòi hỏi việc xử lý, tổng hợp cẩn thận, đáp ứng quy định về bảo vệ bí mật thông tin của khách hàng và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn chuẩn hóa về dữ liệu, quy định về phương thức kết nối, chia sẻ thông tin của các tổ chức tín dụng cung cấp để đảm bảo đáp ứng việc kết nối nhằm chống thất thu thuế nhưng vẫn bảo vệ được dữ liệu cá nhân.
Bộ trưởng Bộ Tài chính HỒ ĐỨC PHỚC:

Năm 2025, thương mại điện tử Việt Nam đạt khoảng 30,5 tỉ USD

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, TMĐT Việt Nam hiện đạt khoảng 20,5 tỉ USD và sẽ đạt 30,5 tỉ USD vào năm 2025. Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về TMĐT nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Để quản lý tốt hơn TMĐT trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất một số giải pháp. Cụ thể, kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt là dữ liệu dân cư, dữ liệu TMĐT, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng… để đối chiếu một cách nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra, kiểm tra.
Đồng thời rà soát, hoàn thiện pháp luật, xây dựng cổng thông tin đăng ký kê khai thuế của sàn TMĐT trong nước, đôn đốc kê khai, chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế.

Thứ trưởng Bộ TT&TT PHẠM ĐỨC LONG:

Đảm bảo an toàn kết nối đến 63 tỉnh, thành


Bộ TT&TT đã định tuyến, liên thông kết nối giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, qua đó tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước.
Thời gian tới, bộ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn cấp độ 5 cho mạng truyền số liệu chuyên dùng nhằm bảo đảm an toàn thông tin cao nhất cho mạng, phục vụ hiệu quả triển khai Đề án 06 tại các bộ, cơ quan, địa phương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương NGUYỄN SINH NHẬT TÂN:

Xác thực thông tin người bán hàng online trên các nền tảng số

Bộ Công Thương sẽ kết nối với Tổng cục Thuế chuyển dữ liệu của 48.348 thông tin website/ứng dụng TMĐT bán hàng và 1.218 website/ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT ngay sau khi hoàn thành việc kết nối hệ thống của hai đơn vị trong tháng 6 này.

Thời gian tới, đề nghị Tổng cục Thuế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong chia sẻ cơ sở dữ liệu, tăng cường quản lý hoạt động TMĐT; đặc biệt là xem xét việc liên thông dữ liệu mã số thuế của doanh nghiệp, hỗ trợ Bộ Công Thương định danh doanh nghiệp TMĐT.
Bộ Công an chủ trì yêu cầu ứng dụng tài khoản định danh điện tử, ứng dụng CCCD gắn chip hoặc dữ liệu dân cư để xác thực thông tin người kinh doanh trên các nền tảng số.
                                                                                                                              NGUYỄN THẢO
 

Các bộ, ngành cần khẩn trương tháo gỡ điểm nghẽn, tăng liên thông

. Theo chủ tịch UBND TP.HCM, dịch vụ công trực tuyến, việc liên thông thủ tục hành chính trên môi trường điện tử còn nhiều vướng mắc do thiếu các văn bản hướng dẫn chuyên ngành.
Tham dự và phát biểu từ đầu cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: TP hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thử thách trong thực hiện Đề án 06 do các nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Theo đó, về dịch vụ công trực tuyến, việc liên thông thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cũng còn nhiều vướng mắc do thiếu các văn bản hướng dẫn chuyên ngành.
Dẫn chứng, ông Mãi cho biết hai nhóm thủ tục liên thông “khai sinh - khai tử” chưa có sự thống nhất giữa Luật Cư trú và văn bản triển khai thực hiện hai nhóm liên thông về giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Về thu thập dữ liệu công dân, một số trường hợp nhân khẩu có giấy khai sinh trước năm 1975 nhưng không có tài liệu chứng minh theo Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, do đó không thể cập nhật trường thông tin “quốc tịch” trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu từ đầu cầu TP.HCM. Ảnh: THÀNH ỦY TP.HCM.

Theo ông Mãi, về mô hình triển khai thiết bị giám sát thi cử, sát hạch lái xe, TP đã có ý kiến gửi Cục Đường bộ Việt Nam về điều chỉnh phần mềm quản lý giấy phép lái xe cho cơ sở đào tạo liên thông dữ liệu đầu vào khi người dân đăng ký học. Tuy nhiên, đến nay Cục Đường bộ Việt Nam chưa điều chỉnh phần mềm.
Hay đến nay chưa có hướng dẫn chuyển học bạ từ dữ liệu điện tử ký số sang bản giấy, gây khó khăn cho người dân trong việc quản lý hồ sơ và gây khó khăn trong công tác quản lý của các trường đối với những học sinh thường xuyên chuyển trường giữa các tỉnh khác nhau.
Từ thực tiễn đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành một số vấn đề cụ thể.
Về thể chế, đề nghị Văn phòng Chính phủ chỉnh sửa Phụ lục 1 về việc bãi bỏ việc yêu cầu công dân đính kèm giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp (vì trái quy định của Luật Cư trú) khi thực hiện hai thủ tục liên thông “đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp BHYT cho trẻ dưới sáu tuổi” trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Bộ Tư pháp cần tháo gỡ đối với các trường hợp giấy khai sinh của công dân có sử dụng những ký tự đặc biệt, giấy khai sinh trước năm 1975 nhưng phần quốc tịch bỏ trống hoặc không có tài liệu chứng minh theo Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam. “Nếu có hướng dẫn thống nhất sẽ giảm bớt chi phí cho người dân và cũng giảm bớt thao tác, thủ tục cho các cơ quan, công chức của chúng ta” - ông Mãi nhìn nhận.
Người đứng đầu chính quyền TP cũng kiến nghị Bộ Công an cập nhật phần mềm liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí được chọn mối quan hệ chủ hộ đối với trường hợp xóa đăng ký thường trú chủ hộ.
Cục Đường bộ Việt Nam tích hợp, điều chỉnh phần mềm quản lý giấy phép lái xe phân hệ cho cơ sở đào tạo liên thông dữ liệu đầu vào khi người dân đăng ký.
Song song đó, BHXH Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Y tế chia sẻ dữ liệu về người dân TP từ các cơ sở dữ liệu do các cơ quan, bộ, ngành đang quản lý ít nhất một lần/tháng để làm cơ sở dữ liệu triển khai sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP. “Việc triển khai rất thuận lợi nhưng cơ sở dữ liệu các bộ, ngành này không chia sẻ thường xuyên nên có những khó khăn nhất định” - Chủ tịch UBND TP.HCM nói thêm.
Mặt khác, ông Mãi cũng đề nghị Bộ Tư pháp nâng cấp, đồng bộ dữ liệu hộ tịch, lý lịch tư pháp thực hiện kết nối liên thông dữ liệu hộ tịch, lý lịch tư pháp vào cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính địa phương…
                                                                                                                                     NHẪN NAM

Thanh toán trực tuyến còn nhiều bất cập

Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Đề án 06 tại địa phương còn một số vướng mắc như việc thanh toán trực tuyến còn bất cập, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân và cơ quan giải quyết thủ tục hành chính.
Đặc biệt, các thẻ ngân hàng của cá nhân đang sử dụng không thể thực hiện thanh toán trực tuyến do hệ thống báo lỗi “số thẻ không được hỗ trợ”. Phần mềm hộ tịch đôi khi bị lỗi, ảnh hưởng đến tiến độ số hóa.
Việc tái sử dụng kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang gặp khó khăn. Đa phần kho dữ liệu của người dân, doanh nghiệp chưa có các dữ liệu để có thể tái sử dụng hoặc kết quả giải quyết thủ tục hành chính trước đó có tại kho dữ liệu nhưng khi thực hiện thao tác để tái sử dụng trên hệ thống không tìm thấy file để thực hiện…
UBND TP Cần Thơ kiến nghị Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thiện, nâng cấp cổng dịch vụ công quốc gia, khắc phục tình trạng thường xuyên bị lỗi chức năng thanh toán trực tuyến (không nhận được phí, lệ phí).
Cùng với đó, bổ sung chức năng thanh toán trực tuyến đối với hồ sơ chứng thực điện tử trên cổng dịch vụ công quốc gia; liên kết hệ thống thanh toán trực tuyến với Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng để thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, cơ quan trong làm thủ tục hành chính…



 

Nguồn tin: plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây