Phụ nữ dân tộc thiểu số vùng biên Bình Phước giúp nhau thoát nghèo

Thứ năm - 20/10/2022 21:24 345 0
Những năm qua, tại huyện biên giới Bù Gia Mập (Bình Phước) ngày càng có nhiều hội viên phụ nữ nghèo là dân tộc thiểu số tận dụng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển mô hình kinh tế, giúp tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Điều đó đã khẳng định sự tích cực vào cuộc của chính quyền địa phương, đặc biệt là các cấp Hội Phụ nữ, cùng sự quyết tâm thoát nghèo bền vững của hội viên phụ nữ.
Chị Lý Say Kín ở thôn Bình Giai, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập chăm sóc đàn đê từ nguồn hỗ trợ chính sách xã hội. Ảnh: K GửiH -TTXVN
Chị Lý Say Kín ở thôn Bình Giai, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập chăm sóc đàn đê từ nguồn hỗ trợ chính sách xã hội. Ảnh: K GửiH -TTXVN
Để giúp hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo vươn lên thoát nghèo, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện biên giới Bù Gia Mập đã định hướng thực hiện bằng nhiều giải pháp hỗ trợ để hội viên phát triển thông qua các mô hình sản xuất như: nuôi bò, nuôi lợn, nuôi dê, trồng cây ăn trái…

Chị Thị Dên người dân tộc S’tiêng ở thôn Bình Hà 2, xã Đa Kia do thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất nên thu nhập từ chăn nuôi và đi làm thuê không đủ trang trải cuộc sống. Đầu năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện giới thiệu chị Thị Dên cho tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Bình Hà 2. Chị Dên được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng. Có nguồn vốn, chị Dên mở rộng chuồng trại nuôi từ 6 con lợn ban đầu lên 25 con, trong đó có 2 lợn giống. Ngoài ra, số tiền còn lại chị Dên chủ động mua thêm con gà, vịt, trồng rau sau vườn để có thêm nguồn thu hàng ngày.

Hơn 1 năm qua, nhờ nguồn vốn hỗ trợ, chị Dên đã tích cực tăng gia sản xuất và có nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Chị Thị Dên chia sẻ: “Trước kia gia đình tôi khó khăn, không có vốn đầu tư phát triển chăn nuôi nên cuộc sống thiếu trước hụt sau. Từ khi có được hỗ trợ vay vốn, gia đình tôi có tiền mua thêm lợn, gà, vịt để phát triển nhiều hơn. Từ đó, nguồn thu nhập của gia đình tôi cũng được tăng lên, cuộc sống cũng dần dần ổn định hơn trước. Nhà nước hỗ trợ cũng như Hội Phụ nữ các cấp tuyên truyền vận động phát triển kinh tế nên gia đình thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn”.

Gia đình chị Điểu Thị Ý trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã Phú Văn chỉ dựa vào nguồn thu nhập đi làm thuê để chi tiêu hàng ngày. Theo chị Ý, đầu năm 2018, thông qua Hội Phụ nữ xã, gia đình nhận hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với thời hạn trả là 20 năm. Gia đình đã sử dụng nguồn vốn vay chính sách cộng với số tiền tiết kiệm để xây căn nhà kiên cố. Sau đó, chị tiếp tục được hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng để mua cặp bò giống, đầu tư chăm sóc 0,4 ha vườn trồng cây điều.

Ba năm qua, từ hai con bò giống nay đã tăng lên 4 con. Ngoài ra, gia đình cũng bán đi một con bò để trang trải cuộc sống. Nguồn phân hữu cơ đã giúp vườn điều thu nhập tăng lên hàng chục triệu đồng mỗi vụ. “Nếu không nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước cho vay vốn thì gia đình tôi chưa chắc đã có nhà để ở kiên cố. Có bò để nuôi, có thêm thu nhập cũng như nguồn phân bón hữu cơ cho cây điều. Năm vừa qua, nhờ tận dụng phân bón hữu cơ từ đàn bò nên năng suất tăng lên và chi phí mua phân hóa học giảm”, chị Ý chia sẻ.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bù Gia Mập cũng đã vận động được 545 triệu đồng, giúp cho 110 hội viên phụ nữ nghèo tận dụng nguồn vốn để phát triển các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện còn duy trì 55 tổ xoay vòng vay vốn với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng, giúp cho 1.369 hội viên phát triển sản xuất. Việc hỗ trợ được thực hiện bằng những việc làm cụ thể như: tiếp tục duy trì, thành lập các mô hình tín dụng, tổ tiết kiệm, nuôi heo đất; các mô hình sinh kế hỗ trợ nhau về cây, con giống…

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bù Gia Mập Đặng Thị Hương cho biết: Ngoài sự hỗ trợ từ nguồn lực bên ngoài, việc phát huy nội lực từ chính phụ nữ ở các cơ sở Hội đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, thông qua việc hỗ trợ nhau về vốn, cây, con giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật… các chị em sẽ có sự giám sát, theo dõi, động viên, tạo động lực cho chính người được hỗ trợ có ý chí làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Việc đa dạng phát triển mô hình từ nguồn vốn hỗ trợ đã giúp phụ nữ người dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo. Các mô hình còn góp phần không nhỏ vào thực hiện hiệu quả Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước, giải quyết việc làm tại chổ, cải thiện đời sống, tăng nguồn thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Tác giả: https://dantocmiennui.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây