Từng có cả trăm người nhiễm sán heo, Bình Phước dập bệnh khá nhẹ nhàng

Thứ tư - 20/03/2019 15:34 1.217 0
Giữa năm 2018 từng có nhiều người ở Bình Phước được phát hiện nhiễm loại sán heo tương tự ở Bắc Ninh lần này, nhưng việc xử lý ổ dịch không quá căng thẳng.
Phụ huynh ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đưa trẻ ra Hà Nội xét nghiệm sán heo những ngày gần đây
Phụ huynh ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đưa trẻ ra Hà Nội xét nghiệm sán heo những ngày gần đây

Theo ông Nguyễn Quang Thiều - phó viện trưởng Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng T.Ư, Bình Phước cũng xử lý bằng cách điều trị các ca bệnh và chặn nguồn lây từ môi trường, cụ thể là hướng dẫn người dân ăn chín, uống chín, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không ăn các thức ăn có thể nhiễm ký sinh trùng như rau sống, thịt sống…

Bác sĩ Quách Ái Đức - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước - cho hay giữa năm 2018, các cơ quan chức năng phát hiện ổ dịch bệnh sán dây heo xảy ra ở huyện biên giới Bù Gia Mập, gây hoang mang dư luận. 

Kết quả xét nghiệm 904 mẫu máu người dân tại huyện biên giới Bù Gia Mập, phát hiện 108 mẫu nhiễm ấu trùng sán dây heo (bệnh heo gạo), chiếm 11,95%. Qua đó cho thấy tỉ lệ mẫu máu nhiễm ấu trùng sán dây heo là cao so với tỉ lệ chung trên toàn quốc (2-6%, số liệu từ một số nghiên cứu tại Việt Nam).

Về nguyên nhân, bác sĩ Đức cho biết do Bình Phước là vùng lưu hành, tập quán chăn nuôi thả rông và gia đình tự làm thịt heo.

"Việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt heo chưa nấu chín. Đối với người, tùy thuộc ăn hay nuốt phải trứng, hoặc nang ấu trùng mà bị các thể bệnh khác nhau. Trong đó, bệnh sán trưởng thành ở ruột nếu ăn phải thịt heo sống hay chưa chín có chứa các nang sán (heo gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành" - bác sĩ Đức nói.

Nói về các biện pháp phòng ngừa bệnh, bác sĩ Đức cho biết đã đề nghị các cơ quan chuyên môn giám sát các hộ nuôi heo, đặc biệt các hộ nuôi heo thả rông để phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp nhiễm bệnh. 

Mặt khác, tuyên truyền đến người dân về chăn nuôi gia súc đúng cách, vệ sinh môi trường, ăn uống. Đặc biệt không ăn thịt heo, trâu, bò và các sản phẩm từ thịt heo, trâu, bò sống hoặc chưa nấu chín để tránh các bệnh về giun sán.

Sau khi phát hiện bệnh sán dây heo, Sở Y tế Bình Phước đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cung cấp thuốc điều trị cho 108 trường hợp bị phát hiện. Đồng thời, hướng dẫn người dân đến các cơ sở y tế chuyên điều trị loại bệnh này để được điều trị đúng cách.

Theo: tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây