Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC)

Thứ tư - 16/08/2017 09:47 6.648 0

Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC)

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu xây dựng một cộng đồng các dân tộc ASEAN hài hòa, đoàn kết, sống đùm bọc và chia sẻ, hướng tới người dân, chăm lo cho thể chất, phúc lợi, môi trường sống ngày càng tốt hơn của người dân, và tạo dựng một bản sắc chung của khu vực.
 1. Quá trình hình thành ý tưởng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN

Ý tưởng về Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN nói riêng trong tổng thể Cộng đồng ASEAN nói chung được khởi nguồn từ văn kiện Tầm nhìn ASEAN 2020, thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN không chính thức lần thứ 2, tháng 12/2007. Tầm nhìn 2020 hình dung về một cộng đồng ASEAN với nhận thức rõ về các mối quan hệ lịch sử, di sản văn hoá, gắn bó với nhau bởi bản sắc khu vực chung; gắn kết về xã hội và đùm bọc lẫn nhau,  trong đó nghèo đói, suy dinh dưỡng không còn là vấn đề lớn; gia đình, đơn vị cơ bản của xã hội, quan tâm chăm sóc các thành viên của mình, đặc biệt là trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người già; những người yếu thế, người khuyết tật được quan tâm đặc biệt; công bằng xã hội được đề cao; một Đông Nam Á không có ma tuý; có khả năng cạnh tranh cao về công nghệ; một ASEAN xanh và sạch; một khu vực Đông Nam Á có khả năng ứng phó tốt hơn với các vấn đề mang tính khu vực như suy thoái và ô nhiễm môi trường, buôn bán ma túy, phụ nữ, trẻ em và các loại tội phạm xuyên quốc gia khác; một cộng đồng có sự tham gia rộng rãi hơn của người dân, nơi phẩm giá và phúc lợi của con người được đề cao, vì lợi ích chung của cộng đồng v.v.

 Quyết định chính thức của ASEAN về xây dựng Cộng đồng được đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 9 tại Bali, In-đô-nê-xi-a, tháng 10/2003, thể hiện trong Tuyên bố Hoà hợp ASEAN II (hay còn gọi là Tuyên bố Ba-li II). Theo đó, ASEAN nhất trí hướng đến mục tiêu hình thành một cộng đồng ASEAN liên kết, tự cường vào năm 2020 với 3 trụ cột chính là hợp tác chính trị - an ninh (Cộng đồng an ninh ASEAN – ASC), hợp tác kinh tế (Cộng đồng Kinh tế ASEAN – AEC) và hợp tác văn hoá xã hội (Cộng đồng Văn hoá Xã hội ASEAN – ASCC). Trụ cột thứ ba, Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN-ASCC, được xem như chân kiềng quan trọng, gắn kết và bổ trợ cho 2 trụ cột ban đầu, tập trung nhiều hơn vào khía cạnh hợp tác nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II nêu những mục tiêu chính của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN gồm:
•    Thực hiện mục tiêu nêu trong Tầm nhìn 2020 về xây dựng một cộng động các xã hội đùm bọc lẫn nhau;
•    Hợp tác trong lĩnh vực phát triển xã hội nhằm nâng cao đời sống của các nhóm người có hoàn cảnh bất lợi, người dân ở nông thôn; khuyến khích sự tham gia tích cực của các tầng lớp xã hội, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên và các cộng đồng địa phương; 
•    Đảm bảo để những người lao động trong khu vực được chuẩn bị sẵn sàng và được hưởng lợi từ tiến trình liên kết kinh tế khu vực, thông qua việc đầu tư thêm nguồn lực cho giáo dục tiểu học và cao đẳng, đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ, tạo công ăn việc làm và được đảm bảo về mặt xã hội;
•    Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế, bao gồm cả việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS và SARS và ủng hộ các nỗ lực khu vực để người dân có thể tiếp cận nhiều hơn đối với các loại thuốc thông thường;
•    Bồi dưỡng nhân tài, thúc đẩy giao lưu giữa các học giả, văn nghệ sĩ, những người làm trong ngành truyền thông để bảo tồn và nâng cao giá trị của các di sản văn hoá đa dạng, đồng thời xây dựng bản sắc khu vực, nhận thức của người dân về ASEAN;
•    Tăng cường hợp tác để giải quyết những vấn đề liên quan tới tăng trưởng dân số, thất nghiệp, môi trường xuống cấp và ô nhiễm xuyên biên giới, quản lý thiên tai.

Để cụ thể hóa các mục tiêu đề ra trong Tuyên bố Bali II, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 10, Viên-chăn, Lào, tháng 11/2004, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch hành động Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC POA), tập trung vào các mục tiêu cụ thể nằm dưới 4 thành tố chính gồm: i) xây dựng cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau; ii) Quản lý tác động xã hội của liên kết kinh tế; iii) Nâng cao tính bền vững của môi trường và iv) Tăng cường các nền tảng cho sự gắn kết xã hội trong khu vực. Cũng tại Hội nghị này, các Nhà lãnh đạo đã thông qua Chương trình hành động Viên-Chăn (VAP) bao gồm các hoạt động nhằm triển khai xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN. Về ASCC, VAP nêu các hoạt động dưới 4 thành tố chính gồm: i) Tạo dựng cộng đồng các xã hội đùm bọc; ii) Giải quyết những tác động xã hội của hội nhập kinh tế; iii) Phát triển môi trường bền vững; iv) Nâng cao nhận thức và bản sắc ASEAN, tương ứng với những nội dung ưu tiên đề ra trong ASCC POA. 
 
Để đẩy nhanh các nỗ lực thực hiện mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 tại Cebu, Phi-líp-pin, tháng 1/2007 đã quyết định rút ngắn thời hạn hình thành Cộng đồng từ 2020 xuống 2015. Tiếp theo đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13, Xinh-ga-po, tháng 11/2007, các nước ASEAN đã quyết định soạn thảo Kế hoạch tổng thể (Blueprints) cho trụ cột Cộng đồng Chính trị-An ninh và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN, tiếp nối Chương trình hành động Viên-chăn (VAP), thực hiện cho giai đoạn 2009-2015. Trước đó, Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13, Cebu, Phi-líp-pin, tháng 1/2007. Kế hoạch tổng thể Cộng đồng VHXH ASEAN được xây dựng trên cơ sở kế tục Chương trình Hành động Viên-chăn (VAP) và dựa trên các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020, Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II, và Kế hoạch hành động xây dựng Cộng đồng VHXH ASEAN (ASCC POA).  

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 14 (Cha-Am, 1/3/2009), các Nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thực hiện từ 2009-2015, bao gồm các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng An ninh-Chính trị ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN và Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn II.
 
2. Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN

Kế hoạch tổng thể (KHTT) ASCC khẳng định lại mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN là xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở nơi cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao.

KHTT ASCC tập trung vào 6 nội dung chính: (a) Phát triển con người; (b) Phúc lợi xã hội và bảo vệ; (c) Công bằng xã hội và các quyền; (d) Đảm bảo môi trường bền vững; (e) Xây dựng bản sắc ASEAN; và (f) Thu hẹp khoảng cách phát triển. Dưới mỗi nội dung này là các thành tố và hoạt động hợp tác cụ thể để triển khai, bao gồm:

A. Phát triển con người: ASEAN sẽ nâng cao cuộc sống và đời sống của người dân ASEAN thông qua tạo cách tiếp cận đồng đều đối với các cơ hội phát triển con người, thúc đẩy và đầu tư vào giáo dục và học tập suốt đời, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực, khuyến khích đổi mới và tinh thần doanh nghiệp, thúc đẩy sử dụng tiếng Anh, Công nghệ Thông tin và khoa học và công nghệ ứng dụng trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.

Dưới nội dung này có 7 thành tố hợp tác gồm: A.1 Thúc đẩy và ưu tiên giáo dục; A.2 Đầu tư phát triển nguồn nhân lực; A.3 Thúc đẩy việc làm bền vững; A.4 Phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông; A.5 Hỗ trợ tiếp cận Khoa học công nghệ ứng dụng; A.6 Tăng cường các kỹ năng doanh nhân cho phụ nữ, thanh niên, người già và người khuyết tật; A.7 Xây dựng năng lực xã hội dân sự. 
Tổng cộng có 60 hoạt động cụ thể được xác định trong nội dung này. 

B. Phúc lợi xã hội và Bảo vệ: ASEAN cam kết nâng cao mức sống và điều kiện sống của người dân ASEAN thông qua xoá giảm đói nghèo, bảo đảm phúc lợi và bảo hiểm xã hội, xây dựng một môi trường an toàn, tin cậy và không ma tuý, nâng cao khả năng bền vững trước thảm hoạ và giải quyết những mối quan tâm về y tế.

Dưới nội dung này có 7 thành tố hợp tác gồm: B.1 Giảm nghèo; B.2 Mạng an sinh xã hội và bảo vệ khỏi các tác động tiêu cực của hội nhập và toàn cầu hóa; B.3 Tăng cường an ninh và an toàn lương thực; B.4 Tiếp cận y tế và thúc đẩy lối sống lành mạnh; B.5 Nâng cao khả năng kiểm soát các bệnh truyền nhiễm; B.6 Đảm bảo một ASEAN không có ma túy; B.7 Xây dựng các quốc gia có năng lực ứng phó thiên tai và các cộng đồng an toàn hơn. 
Tổng cộng có 94 hoạt động cụ thể được xác định trong nội dung này.

C. Quyền và Bình đẳng Xã hội: ASEAN cam kết thúc đẩy bình đẳng xã hội và lồng ghép quyền của người dân vào chính sách của mình và mọi mặt của đời sống, bao gồm quyền và phúc lợi của các nhóm bị thiệt thòi, dễ bị tổn thương và bị gạt ra ngoài lề xã hội như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và lao động nhập cư.

Dưới nội dung này có 3 thành tố hợp tác gồm: C.1 Thúc đẩy và bảo vệ quyền và phúc lợi của phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật; C.2 Bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư; C.3 Thúc đẩy trách nhiệm Xã hội của doanh nghiệp. base
Tổng cộng có 28 hoạt động cụ thể được xác định trong nội dung này.

D. Bảo đảm Môi trường bền vững:     ASEAN hướng tới phát triển bền vững cũng như đảm bảo môi trường xanh và trong lành bằng cách bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cơ sở phát triển kinh tế, xã hội bao gồm quản lý và bảo tồn bền vững dầu mỏ, nguồn nước, khoáng sản, năng lượng, đa dạng sinh học, rừng, các tài nguyên biển và ven bờ cũng như thúc đẩy việc đảm bảo chất lượng nguồn nước và không khí cho khu vực ASEAN. ASEAN sẽ tích cực tham gia vào các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết những thách thức môi trường toàn cầu trong đó có biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô-zôn cũng như phát triển và ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường vì nhu cầu bảo vệ môi trường bền vững.

Dưới nội dung này có 10 thành tố hợp tác gồm: D.1 Giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu; D.2 Quản lý và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường xuyên biên giới; D.3 Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua giáo dục môi trường và sự tham gia của công chúng; D.4 Thúc đẩy công nghệ thân thiện với môi trường; D.5 Thúc đẩy chất lượng sống ở các thành phố/đô thị ASEAN; D.6 Hài hòa các chính sách và cơ sở dữ liệu về môi trường; D.7 Thúc đẩy việc sử dụng bền vững môi trường ven biển và biển; D.8 Thúc đẩy quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; D. 9 Thúc đẩy các nguồn nước ngọt bền vững; D.10 Ứng phó với biến đổi khí hậu và giải quyết hậu quả của nó; D. 11 Thúc đẩy quản lý rừng bền vững.
Tổng cộng có 57 hoạt động cụ thể được xác định cho nội dung này. 

E. Tạo dựng Bản sắc ASEAN: Bản sắc ASEAN là cơ sở của lợi ích khu vực Đông Nam Á. Đây là nhân cách, chuẩn mực, giá trị và tín ngưỡng chung của chúng ta. ASEAN sẽ lồng ghép và nâng cao hơn nữa nhận thức về ASEAN và giá trị chung theo tinh thần thống nhất trong đa dạng ở mọi tầng lớp xã hội.

Dưới nội dung này có 4 thành tố hợp tác gồm: E.1 Thúc đẩy nhận thức ASEAN và ý thức cộng đồng; E.2 Bảo tồn và thúc đẩy di sản văn hóa ASEAN; E.3 Thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa và công nghiệp văn hóa; E.4 Gắn kết cộng đồng. 
Tổng cộng có 50 hoạt động cụ thể được xác định cho nội dung này. 

F. Thu hẹp khoảng cách phát triển: Thu hẹp khoảng cách phát triển đặc biệt trong khía cạnh xã hội của phát triển giữa ASEAN-6 và các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam và trong ASEAN nơi một số nhóm biệt lập sống dưới mức phát triển vẫn còn tồn tại.
Dưới nội dung này có 8 hoạt động cụ thể được xác định. 

- Việc triển khai thực hiện KHTT ASCC sẽ do Hội đồng Cộng đồng VHXH ASEAN chịu trách nhiệm điều phối, theo dõi chung; các cơ quan Bộ trưởng chuyên ngành ASEAN sẽ phụ trách việc thực hiện các mục tiêu và hoạt động liên quan đến lĩnh vực của mình. 

- Để đảm bảo triển khai hiệu quả KHTT ASCC, các biện pháp như lồng ghép các chiến lược, mục tiêu và hoạt động của KHTT ASCC vào chương trình phát triển quốc gia của các nước thành viên; huy động sự tham gia hỗ trợ của các bên Đối thoại, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chứ có liên quan…

- KHTT ASCC cũng đề ra kế hoạch huy động nguồn lực từ các quốc gia thành viên, các Đối tác, các tổ chức khu vực và quốc tế, đặc biệt là ADB, Ngân hàng Thế giới/IFC, Liên Hợp Quốc, khu vực tư nhân.

- Một chiến lược truyền thông tổng thể cũng sẽ được xây dựng để giúp nâng cao nhận thức của công chúng về Cộng đồng VHXH ASEAN, cung cấp thông tin về tiến triển của cộng đồng tới người dân cũng như huy động sự tham gia của các thành phần xã hội trong tiến trình này. Theo đó, Kế hoạch truyền thông Cộng đồng VHXH ASEAN đã được xây dựng và thông qua tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng VHXH ASEAN lần thứ 3 (Hà Nội, tháng 4/2010).

KHTT ASCC hiện đang được triển khai theo các kênh chuyên ngành của ASEAN, theo báo cáo của Ban Thư ký ASEAN, hiện chỉ còn 9 hoạt động chưa xác định được cơ quan đầu mối cụ thể để triển khai. Ban Thư ký ASEAN cùng các cơ quan chuyên ngành trong trụ cột VHXH đã xây dựng bảng chấm điểm (Scorecard) và hệ thống giám sát triển khai để tiến hành theo dõi, đánh giá định kỳ việc triển khai KHTT ASCC.  

Nguồn: http://asean.mofa.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 11 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 11 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây