UBND huyện Bù Gia Mập mở đợt cao điểm “90 ngày, đêm” tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích hợp giấy tờ trên ứng dụng VNeID

Thứ ba - 11/03/2025 14:03 56 0
UBND huyện Bù Gia Mập mở đợt cao điểm “90 ngày, đêm” tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích hợp giấy tờ trên ứng dụng VNeID

Thực hiện Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 28/02/2025 của UBND tỉnh về việc Mở đợt cao điểm “90 ngày, đêm” tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích hợp giấy tờ trên ứng dụng VNeID. Nhằm chủ động triển khai, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án 06/CP trong năm 2025, nâng cao hiệu quả ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, góp phần đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, Ủy ban nhân dân huyện Bù Gia Mập đã ban hành Kế hoạch mở đợt cao điểm “90 ngày, đêm” tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích hợp giấy tờ trên ứng dụng VneID.
Chỉ tiêu trọng tâm như sau:
- Phấn đấu 100% công dân từ đủ 14 tuổi trở lên có tài khoản định danh điện tử mức 2 và được kích hoạt, sử dụng.
- Phấn đấu 100% cơ sở khám, chữa bệnh liên thông, đồng bộ dữ liệu khám chữa bệnh với Cổng tiếp nhận dữ liệu giám định BHYT; 80% người dân tham gia BHYT thực hiện tích hợp thẻ BHYT vào VNeID để hiển thị Sổ sức khỏe điện tử; 80% người dân khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh sử dụng CCCD hoặc VNeID thay thế thẻ BHYT (trên tổng số người khám, điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh), giúp giảm thiểu giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh và sử dụng dịch vụ y tế.
- Phấn đấu tích hợp tối thiểu 80% giấy phép lái xe và giấy chứng nhận đăng ký xe trên VNeID đối với công dân trên địa bàn đã có tài khoản định danh mức 2, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, sử dụng mà không cần mang theo giấy tờ bản cứng.
Phạm vi: Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn tích hợp thông tin giấy tờ vào ứng dụng VNeID cho tất cả công dân trên địa bàn huyện.
Đối tượng: Công dân hiện đang sinh sống, làm việc, lao động trên địa bàn huyện.
Thời gian: Thực hiện từ ngày 02/3/2025 đến ngày 31/5/2025 (90 ngày, đêm).
Nguồn lực: Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cơ sở, nòng cốt là lực lượng vũ trang, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp xã, Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 thôn.
Công tác tuyên truyền, truyền thông: Tập trung nhấn mạnh những lợi ích thiết thực của việc tích hợp giấy tờ vào ứng dụng VNeID như: thay thế giấy tờ truyền thống, giảm thiểu rủi ro mất mát, hư hỏng; tiện lợi khi thực hiện các giao dịch hành chính, đi khám chữa bệnh, giao dịch ngân hàng, đi lại; giảm thời gian xử lý TTHC, hướng đến nền hành chính không giấy tờ; khuyến khích người dân tự kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 và tự tích hợp giấy tờ trên ứng dụng VNeID.
 - Khẩu hiệu, thông điệp: Trong quá trình tuyên truyền, truyền thông, các đơn vị, địa phương có thể sử dụng một số khẩu hiệu như sau: “VNeID - Ví giấy tờ điện tử tiện lợi, an toàn, hiện đại!”; “Định danh số - Giao dịch nhanh, không cần giấy tờ!”; “Chỉ vài thao tác trên VNeID, giấy tờ luôn bên bạn!”; “Tích hợp giấy tờ vào VNeID - Đơn giản, thuận tiện, tiết kiệm thời gian!”; “Chuyển đổi số cùng VNeID - Hành chính thông minh, cuộc sống dễ dàng!”…
- Hình thức: Tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp: tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn tại cộng đồng, các hội nghị, buổi gặp mặt tại xã, thôn để hướng dẫn người dân; thành lập tổ công tác lưu động theo phương châm “đi từng ngõ, vào từng nhà, gặp từng người” để tuyên truyền, hướng dẫn kích hoạt tài khoản và tích hợp giấy tờ; đề nghị, hướng dẫn công dân tích hợp giấy tờ trên VNeID trước khi giải quyết các TTHC tại bộ phận một cửa, Trung tâm Phục vụ hành chính công, Công an cấp xã; lồng ghép nội dung hướng dẫn sử dụng VNeID trong các buổi họp tại thôn, hội nghị đoàn thể, lễ hội văn hóa, sự kiện thể thao, hội chợ... tổ chức các buổi hướng dẫn, kết hợp tuyên truyền phòng chống tội phạm cho công nhân trong các khu công nghiệp; triển khai các mô hình như “Công dân số trẻ hỗ trợ cộng đồng” huy động đoàn viên thanh niên, sinh viên, học sinh trung học làm lực lượng nòng cốt để hướng dẫn, hỗ trợ cha mẹ, ông bà, hàng xóm thực hiện kích hoạt tài khoản và tích hợp giấy tờ trên VNeID; thành lập đội hình “tình nguyện viên số” hoạt động tại các trường học, khu phố, điểm công cộng để hỗ trợ hướng dẫn.
Tuyên truyền trên phương tiện truyền thông: Đẩy mạnh đưa tin, bài, phóng sự trên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước để phổ biến rộng rãi; phát thông báo trên loa phường, loa truyền thanh thôn, ấp hàng ngày về lợi ích và cách tích hợp giấy tờ vào VNeID; đăng tải bài viết trên trang báo, Cổng thông tin của các cơ quan, chính quyền các cấp; cập nhật hướng dẫn chi tiết trên các trang thông tin điện tử; xây dựng video hướng dẫn ngắn gọn, dễ hiểu, đăng tải trên Facebook, YouTube, TikTok, trong đó phát động chiến dịch truyền thông của tỉnh Bình Phước tạo khẩu hiệu đính kèm nhằm lan tỏa như:  #VNeID_BinhPhuoc, #90NgayDemBinhPhuoc,#CongDanSoBinhPhuoc, #ViGiayToDienTu_BinhPhuoc để thu hút người dân; khuyến khích Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ livestream hướng dẫn trực tiếp trên fanpage…
Tuyên truyền tại địa điểm công cộng, dịch vụ: Đặt bảng hướng dẫn tại các ngân hàng, phòng khám, bệnh viện, trung tâm thương mại; treo băng rôn, khẩu hiệu tại công sở, trường học, chợ, trạm xăng, quán cà phê; phát video hướng dẫn tại màn hình LED tại ngã tư, trung tâm hành chính, nơi đông dân cư…
Công tác hướng dẫn người dân tích hợp thông tin trên ứng dụng VNeID
- Tại các cơ sở khám, chữa bệnh: Các bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện bố trí khu vực để tổ chức cấp phát tờ rơi, treo các áp phích để tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân tích hợp giấy tờ vào VNeID trong thời gian cao điểm; chỉ đạo Công đoàn, Đoàn thành niên, Hội phụ nữ thành lập các tổ hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân tại các giường bệnh thực hiện tích hợp thẻ BHYT vào ứng dụng VNeID để hình thành Sổ sức khỏe điện tử VNeID, cũng như tích hợp các loại giấy tờ khác. Trường hợp người dân chưa có tài khoản định danh điện tử mức 2 hướng dẫn liên hệ cơ quan Công an để thu nhận hồ sơ theo quy định.
- Tại các cơ quan, đơn vị, trường học: Tổ chức các buổi sinh hoạt, quán triệt tập trung để hướng dẫn cán bộ, công nhân, viên chức, giáo viên, học sinh, sinh viên thực hiện tích hợp giấy tờ cá nhân vào VNeID.
- Tại cộng đồng dân cư: Huy động tối đa các lực lượng ở cơ sở (Trưởng thôn, Đoàn viên thanh niên, Hội viên phụ nữ, Hội viên cựu chiến binh, Hội viên cựu Công an nhân dân, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, tình nguyện viên, giáo viên, học sinh, sinh viên…) để thành lập các Tổ lưu động (bao gồm Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 tại thôn) tổ chức hướng dẫn người dân tích hợp thông tin giấy tờ vào VNeID theo phương châm “đi từng ngõ, vào từng nhà, gặp từng người” để hướng dẫn từng người dân, đảm bảo mọi công dân đều được tiếp cận, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện tích hợp giấy tờ vào VNeID. Trong đó: Công an cấp xã phải rà soát, phân loại theo từng nhóm đối tượng (Nhóm 1: Công dân đã được cấp tài khoản VNeID mức 2 nhưng chưa kích hoạt; Nhóm 2: Công dân chưa có tài khoản VNeID mức 2; Nhóm 3: Công dân cao tuổi, người ít tiếp cận công nghệ; Nhóm 4: Công dân thường xuyên đi làm xa, công nhân khu công nghiệp, người bận rộn cần tiếp cận vào thời gian linh hoạt). Trên cơ sở đó, tham mưu Chủ tịch UBND cấp xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thôn, ấp, khu phố và các tổ hỗ trợ theo từng địa bàn, từng khu vực. Định kỳ kiểm đếm, đánh giá, báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã để chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời.

Tác giả: Trần Thuận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây