UBND huyện Bù Gia Mập

https://bugiamap.binhphuoc.gov.vn


Bình Phước: Nhà nông vùng biên đoàn kết trong cơn hạn hán

Nhiều tháng qua, người dân tại xã vùng biên Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) đang loay hoay thiếu nguồn nước sinh hoạt do ảnh hưởng của đợt hạn hán kéo dài. Tuy vậy, trong vòng xoáy khô hạn, người dân nghèo nơi đây lại thấy chán chứa tình người, tình làng nghĩa xóm khi cùng nhau chia sẻ nguồn nước để chống chọi với cái nắng gắt hơn 3 tháng qua.
Bình Phước: Nhà nông vùng biên đoàn kết trong cơn hạn hán
    Ghi nhận vào thời điểm cuối tháng 3 tại xã Bù Gia Mập, tình đoàn kết của người dân trong cơn hạn hán thể hiện rõ khi mọi người xung quanh cùng nhau chia sẻ nguồn nước sạch khi nước giếng đào, nước suối ngày càng cạn kiệt. Tinh thần “lá lành đùm lá rách” đang thể hiện rõ ở xã Bù Gia Mập trong cơn “khát” nước sinh hoạt của người dân nghèo. 
Gia đình bà Bùi Thị Hiền hằng ngày vẫn mở vòi nước cho bà con xung quanh có nhu cầu lấy nước vào sáng sớm, trưa hoặc chiều tối. Đã nhiều tháng qua, niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt bà Hiền khi trực tiếp dùng ống nhựa nối với dây để đong đầy nước vào can nhựa hay thùng phuy cho bà con.
    Bà Hiền cho biết, đây là nguồn nước sạch từ hệ thống nước sạch của Nhà nước cung cấp trên địa bàn thôn. Hiện nguồn nước này gia đình sử dụng phải trả phí 6.000 đồng/1m3. Tuy nhiên, trong cơn hạn hán kéo dài, thấy nhiều hộ gia đình, bà con dân tộc thiểu số có giếng nước đào đã cạn kiệt, chưa có điều kiện kéo nước nên bà rất đồng cảm. Bình thường thì bà con chủ yếu dùng nước mưa, còn vào mùa khô các giếng nước cạn nên thiếu nước. Ngoài ra, đa số bà con ở đây là hộ nghèo nên việc đào giếng hay khoan giếng không đủ chi phí. Thấy bà con vất vả sau khi đi làm về phải lấy xô, can nhựa, bồng bế con rủ nhau xuống suối tắm, lấy nước sinh hoạt nên bà Hiền chủ động chia sẻ nguồn nước.
    “Gia đình tôi có nguồn nước sạch của Nhà nước cung cấp. Mình ở trục đường chính nên nguồn nước cũng dễ dàng hơn còn những bà con ở bên kia đường, trong xóm, sâu hơn lại chưa có nước. Thấy tình cảnh của bà con khó khăn như vậy trong mùa khô, gia đình chúng tôi chia sẽ miễn phí nước cho bà con dùng để giảm phần nào khó khăn cho mọi người. Vào đầu giờ trưa, chiều, sáng sớm bà con hay mang can, thùng tới lấy nước miễn phí”, bà Bùi Thị Hiền nói.
    Trung bình mỗi ngày người dân không có nước đến lấy nhiều nhất khoảng 3m3 để về sinh hoạt trong gia đình. Xung quanh đây hầu hết là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhiều hộ không có tiền đào giếng, Có những nhà dùng chung một giếng nên dễ hết nước nhanh về mùa khô. Cứ đến mùa khô hạn lại thiếu nước ăn uống.
    Vào thời điểm này, người dân đang tất bật trong giai đoạn thu hoạch điều. Việc thiếu nước sinh hoạt khiến cuộc sống càng thêm vất vả hơn. Thế nhưng, trong cơn “khát” nước, người dân nghèo lại được sự chia sẻ nguồn nước sạch rất đáng trân trọng.
    Chị Thị Pin chỉ cách gia đình bà Bùi Thị Hiền khoảng chừng hơn 50m, đối diện trục đường chính liên thôn. Do điều kiện cuộc sống khó khăn nên chưa có tiền để kéo nước sạch về sử dụng. Hiện gia đình chị đang dùng chung giếng nước đào bằng tay với hai hộ gia đình khác. Cứ đến thời điểm đầu mùa khô, nguồn nước giếng lại cạn buộc họ phải dùng nước suối để tắm giặt. Từ khi được hàng xóm cho nước dùng miễn phí, cuộc sống sinh hoạt gia đình chị Pin đỡ vất vả hơn. Chị Thị Pin cho biết: “Nhà tôi thiếu nước đã gần 3 tháng nay rồi. Được chị Hiền cho nước sạch miễn phí, gia đình chúng tôi vui mừng lắm. Bây giờ chúng tôi không lo phải đi lấy nước suối nữa. Mỗi khi đi làm rẫy về trễ ở nhà đã có nước lấy sẵn từ sáng để nấu cơm, nấu nước ”.
    Còn anh Điểu Bết cũng không dấu niềm vui khi được hàng xóm chia sẻ những giọt nước sạch, cảm động nói: “Bà con chúng tôi ở khu vực này được những người có nước sạch cho nước miễn phí chúng tôi biết ơn lắm. Hầu hết bà con ở đây còn khó khăn. Nhất vào mùa khô thiếu nước nghiêm trọng. Đi lấy nước suối thì không đảm bảo vệ sinh. Thời buổi này, nhiều vườn phun xịt thuốc diệt cỏ hay nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật khác nên ít nhiều khiến các dòng suối không còn trong sạch như trước. Có nguồn nước chia sẻ mùa hạn thế này bà con nghèo mừng lắm".
    Hiện nay, tại xã Bù Gia Mập không chỉ gia đình bà Hiền mà còn rất nhiều hộ gia đình có nguồn nước sạch hay nước giếng khoan còn nước đều chia sẻ cho người dân xung quanh để cùng nhau vượt qua cơn hạn.
Phó Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập Nguyễn Minh Phúc cho biết: “Đứng trước tình hình hạn hán, người dân phải mua nước 75.000 đồng/m3, UBND xã đã tuyên truyền vận động người dân có giếng còn nước, các điểm nước sạch tập trung tạo điều kiện chia sẻ cho các gia đình thiếu nước sinh hoạt để sử dụng. Trước hạn hán kéo dài, chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch, liên hệ với các đơn vị đóng chân trên địa bàn như Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 778 (Quân khu 7), Đồn Biên phòng Bù Gia Mập, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cấp nước cho bà con nhân dân thiếu nước”.
    Còn về giải pháp lâu dài đối phó với hạn hán, UBND huyện Bù Gia Mập cũng đã giao cho Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp với xã Bù Gia Mập khảo sát hồ chứa nước Bù Rên để nâng cấp lên nhằm đảm bảo nước sạch cho bà con trong mùa khô năm nay. Hiện nay, trên địa bàn xã có 5 công trình thủy lợi: 2 hồ chứa nước, một đập thủy điện, 2 trạm cấp nước sạch. Riêng các giếng đào của người dân hiện nay hầu như đã cạn kiệt nước. Theo dự báo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Thủy lợi Bình Phước, hồ cấp nước tập trung Bù Rên sẽ cạn trong tháng tới.
    Bù Gia Mập là xã biên giới đặc biệt khó khăn với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 73%, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 30%. Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu nên trên địa bàn xã thường xuyên xảy ra hạn hán thiếu nước sinh hoạt cũng như nước tưới tiêu. Việc người dân chia sẻ nguồn nước sinh hoạt trong cơn hạn hán thể hiện sự đoàn kết của nhà nông cùng nhau vượt qua khó khăn, thể hiện tình làng nghĩa xóm trong cuộc sống.
                                                                                                                                                                                      K GỬI H
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây