UBND huyện Bù Gia Mập

https://bugiamap.binhphuoc.gov.vn


Kết quả thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Bù Gia Mập năm 2016.

Kết quả thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Bù Gia Mập năm 2016.
    Trong năm qua, tuy huyện nhà còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều chương trình, chính sách dân tộc được triển khai, mang lại những kết quả nhất định.

           Huyện Bù Gia Mập là một huyện miền núi, biên giới với diện tích tự nhiên là 106.116 ha, dân số toàn huyện là 17.553 hộ, với 75.208 khẩu, trong dó đồng bào dân tộc thiểu số là 5.610 hộ, với 27.122 khẩu, chiếm khoảng 36,1% dân số toàn huyện; hộ nghèo toàn huyện là 3.663 hộ, với 14.946 khẩu; hộ cận nghèo là 389 hộ, với 1.592 khẩu; trong đó: hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn với 1.925 hộ - 9.925 khẩu và hộ cận nghèo ĐBDTTS là 126 hộ, với 728 khẩu. Do đó, phần lớn đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, trong những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, sự chung ta góp sức của các cấp, các ngành và địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện. Việc tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc như: Chương trình 134, Quyết định 33, Quyết định755, chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình an sinh xã hội v.v… đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS trong sản xuất phát triển kinh tế và định canh, định cư vững chắc, ổn định cuộc sống.

Công tác chăm lo phát triển giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, trú trọng. Các cấp, các ngành đã tập trung mọi nguồn lực vận động con em đồng bào dân tộc thiểu số ra lớp đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục các cấp. Học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, hỗ trợ kinh phí kịp thời và đúng quy định.

Việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số được cả hệ thống quan tâm trú trọng, công tác cấp phát thẻ bảo hiểm y tế đã thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, góp phần giảm bớt gánh nặng cho bà con trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Các hoạt động văn hóa, tuyên truyền đến được từng thôn ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số giúp bà con hiểu rõ về chủ trương của đảng, chính sách  pháp luật của nhà nước cũng như nâng cao đời sống tinh thần, ổn định cuộc sống. Do đó, trong năm qua tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số tương đối ổn định, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Công tác dân tộc được Huyện ủy, UBND huyện và các cấp, các ngành có liên quan quan tâm trú trọng thực hiện. Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác Dân tộc - Tôn giáo, đồng thời phân công các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo trực tiếp phụ trách theo dõi các hoạt động công tác dân tộc trên địa bàn các xã. Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác dân tộc để chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng thường xuyên kiểm tra thực tế việc thực hiện các chương trình, chính sách liên quan đến công tác dân tộc trên địa bàn huyện.

Nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành đã được UBND ban hành nhằm chỉ đạo sâu sát các đơn vị triển khai thực hiện như Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 31/5/2016 về triển khai thực hiện công tác dân tộc và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành khác nhằm thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc.

Đặc biệt quan tâm công tác chỉ đạo, tuyền truyền về tác hại của việc cầm cố, bán điều non, vay tiền lãi xuất cao trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/HU ngày 25/5/2016 và UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 12/01/2016 và nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chỉ thị số 09/2015/CT-UBND của UBND tỉnh do đó đã giảm thiểu tình trạng cầm cố, bán điều non, vay tiền lãi xuất cao trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhìn chung, các chương trình, chính sách dự án liên quan đến công tác dân tộc được quan tâm triển khai đồng bộ, đảm bảo tiến độ qua đó hỗ trợ một phần khó khăn, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, một số kết quả nổi bật trong năm 2016 như sau:

Đối với chương trình 135: Tổng kế hoạch vốn được giao năm 2016 là 650 triệu đồng, gồm 05 xã: Đăk Ơ, Đức Hạnh, Phước Minh, Phú Văn và Bình Thắng với danh mục hỗ trợ cụ thể như sau: xã Đăk Ơ: 300 triệu đồng thực hiện mua và cấp 20 con bò giống; xã Đức Hạnh: 100 triệu đồng thực hiện mua và cấp 6 con bò giống; xã Phú Văn: 100 triệu đồng thực hiện mua và cấp 30 máy phát cỏ; xã Phước Minh: 100 triệu đồng thực hiện mua và cấp 4 con bò giống; xã Bình Thắng: 50 triệu đồng thực hiện mua và cấp 30 bình xịt thuốc.

Đối với quyết định số 755/QĐ-TTg:  Đã tiến hành cấp nông cụ phục vụ sản xuất cho 224 hộ với tổng kinh phí là 1.342.325.400 đồng. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã thực hiện giải quyết cho 69 hộ vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng số tiền là 1.035 triệu đồng. Hiện nay, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và UBND các xã tiếp tục cho các hộ được thụ hưởng theo Đề án 755 để xem xét cho vay với tổng kinh phí dự kiến là 1,5 tỷ đồng.

Việc thực hiện Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg: đã hướng dẫn thủ tục cho 180 hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn vay vốn với tổng số tiền là 1.440 triệu đồng. Hiện nay, UBND huyện đang triển khai và tiếp tục cho vay vốn đối với 125/231 hộ, với số tiền khoảng 1 tỷ đồng.

Việc thực hiện Quyết định số 102/QĐ-TTg: Thực hiện hỗ trợ tiền mặt cho 2.726 hộ nghèo với 11.104 khẩu, tổng kinh phí thực hiện là 953.360.000 đồng; Tổ chức cấp cây giống và phân bón cho 165 hộ nghèo, với tổng số tiền là 568.373.500đ. Thực hiện quy trình, thủ tục mua và cấp bò giống cho 146 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo từ nguồn kinh phí còn tồn từ năm 2013 – 2016 với tổng kinh phí là  2.959.071.000 đồng.

Chính sách đối với người có uy tín và hoạt động của Hội đồng Già làng được UBND huyện quan tâm, trú trọng. Đã thăm hỏi, tặng quà và hỗ trợ Già làng, Người có uy tín, cán bộ người DTTS đã nghĩ hưu; hỗ trợ tiền xăng xe cho người có uy tín 1.200.000đ/người/năm và hoạt động của Hội đồng Già làng là 690.000đ/tháng; tổ chức đưa đón người có uy tín đi thăm quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập cơ quan làm công tác dân tộc tại Ban Dân tộc tỉnh; tổ chức đưa đón Già làng đi tham quan các khu di tích lịch sử, văn hóa, các công trình lớn của đất nước.

Riêng đối với việc thực hiện Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg – về ổn định di dân tự do, định canh, định cư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Tổng kinh phí đã phân bổ đến năm 2016 cho phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là: 8.210 triệu đồng, kinh phí đã phân bổ cho Ban Quản lý dự án huyện thực hiện đến năm 2016: 25.963.384.000 đồng. Các hạng mục công trình đã và đang được đầu  tư và đưa vào sử dụng có hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay, còn 68 hộ đủ điều kiện xây dựng nhà ở nhưng do mức kinh phí hỗ trợ xây nhà quá thấp nên chưa thực hiện được, chưa kéo điện được vào vùng Dự án 33, UBND huyện đang huy động tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện nhằm ổn định đời sống của bà con.

UBND huyện tổ chức cấp nông cụ sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại xã Bù Gia Mập

 Với những kết quả đã đạt được, UBND huyện Bù Gia Mập đã và đang tập chung mọi nguồn lực để thực hiện công tác chăm lo, ổn định và cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân qua đó từng bước thay đổi diện mạo của một huyện miền núi, biên giới./. 

                                                                   Nguyễn Thị Hương       

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây