UBND huyện Bù Gia Mập

https://bugiamap.binhphuoc.gov.vn


Xã Bù Gia Mập trong cuộc chiến xóa nghèo

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) trong năm 2014 hết sức ngoạn mục: đạt 20,6%. Thu nhập bình quân đầu người tăng 2,6 triệu đồng so với năm 2013. Số hộ nghèo của xã đã giảm còn 6,62%. Thế nhưng tình trạng bán điều non trong đồng bào DTTS ở xã vẫn tiếp diễn. Đó là nỗi lo canh cánh của các cấp ủy đảng và chính quyền xã.
Xã Bù Gia Mập trong cuộc chiến xóa nghèo

NIỀM VUI THOÁT NGHÈO

Tranh thủ sau giờ tuần tra, anh Nguyễn Văn Mười về nhà chăn trâu. Đó cũng là khối tài sản lớn nhất sau 18 năm rời quê hương Thái Nguyên lập nghiệp tại thôn Đắk Côn, xã Bù Gia Mập bằng nghề đào giếng. Hai con trâu anh đang chăn dắt bắt đầu từ một con trâu mẹ do UBND xã hỗ trợ từ nguồn vốn sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2013. Anh Mười nhẩm tính, cả hai con theo giá thị trường ít nhất cũng được 70 triệu đồng. Hai vợ chồng đều làm thuê, anh còn tham gia tổ dân quân tự vệ của xã, mỗi tháng tiền phụ cấp cũng được 725 ngàn đồng. Không có đất sản xuất nhưng ngần ấy nguồn thu cũng giúp anh tự tay viết đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
 

4 giờ chiều, Điểu Súp lùa đàn bò 16 con sau một ngày chăn thả ở các vườn rẫy về nhà. Nhìn đàn bò, tôi thầm nghĩ Điểu Súp phải là một tay chăn có tiếng trong vùng. Nhưng không phải, hôm nay là ngày anh phải đi chăn bò cho cả 5 gia đình trong thôn. Năm 2012, cả 5 hộ nghèo gần nhà Điểu Súp được nhận mỗi hộ 1 con bò. Để tiết kiệm nhân công, các hộ luân phiên mỗi ngày một người đi chăn. “Nhà nước cho mình một đứa thôi. Mấy tháng trước nó đẻ thêm một đứa. Mình chỉ có hai đứa đứng gần nhau chỗ kia kìa. Còn lại của bà con đó. Mình không có đất, Nhà nước giao bò cho nuôi mình mừng lắm, mình mới nuôi mà, mình không bán đâu” - Điểu Súp vừa nói vừa tranh thủ cột đàn bò ở phía sau vườn nhà.

GIẢI PHÁP TỔNG HỢP

Phó chủ tịch UBND xã Phạm Sỹ Hoàn không giấu được niềm vui khi tổng kết tình hình kinh tế - xã hội năm 2014. Mức thu nhập của người dân đã tăng từ 13,6 triệu đồng (năm 2013) lên 15,2 triệu đồng/người (năm 2014). Đây là kết quả tăng trưởng cao nhất của xã Bù Gia Mập trong những năm gần đây.

Để có được kết quả này, xã tập trung nguồn vốn sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới cho công tác chăn nuôi. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, mỗi hộ nghèo không có đất sản xuất sẽ được cấp 1 con bò hoặc 1 con trâu để gây dựng vốn ban đầu. Chính quyền còn khuyến khích mỗi gia đình phải trồng ít nhất 100 nọc tiêu khi có thể. Nhằm giúp người dân biết cách trồng, chăm sóc hồ tiêu, xã phối hợp Phòng nông nghiệp huyện tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân. Nhờ cách làm chân rết như thế mà diện tích hồ tiêu trên địa bàn xã trong những năm gần đây liên tục tăng. Riêng năm 2014, diện tích hồ tiêu tăng đến 91 ha, từng bước giúp người dân có nguồn thu ổn định.

Cùng với nguồn vốn sản xuất - kinh phí xây dựng cơ bản được xã đầu tư toàn bộ vào xây dựng đường giao thông nông thôn. Từ nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới năm 2014 là 1,386 tỷ đồng, người dân ủng hộ thêm 280 triệu đồng và tự giải phóng mặt bằng để xây dựng, nâng cấp các tuyến đường nối liền các thôn Bù Lư, Bù Dốt, Bù La, Bù Rên và Đắk Á. Đường thôn sạch đẹp, người dân lại tiếp tục đóng góp kinh phí làm đường điện nông thôn. Đặc biệt, tại các thôn Bù Dốt, Bù Rên, Đắk Á, Bù Lư có đến 90% số dân là đồng bào Xêtiêng, nhưng mỗi thôn cũng đóng góp 40-70 triệu đồng để kéo điện. Cùng với ánh sáng từ điện lưới, các hộ dọc hai bên đường còn trang hoàng cờ hoa thật lộng lẫy đón Giáng sinh và tết Dương lịch 2015.  

CÒN ĐÓ NỖI LO

Đến hết năm 2014, tổng đàn gia súc, gia cầm của xã đạt 11.904 con, trong đó đàn trâu có 279 con, bò 309 con. Nhờ đẩy mạnh công tác chăn nuôi kết hợp trồng trọt, xã Bù Gia Mập đã giúp 14 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 6,62%, đạt tiêu chí hộ nghèo của chương trình nông thôn mới.

Theo thống kê, năm 2014, tất cả các loại cây trồng lâu năm có giá trị cao như hồ tiêu, cà phê, cao su trên địa bàn xã Bù Gia Mập đều tăng cả về diện tích và năng suất. Tuy nhiên, đi kèm với những tín hiệu lạc quan ấy vẫn còn không ít nỗi lo mà xã Bù Gia Mập chưa thể khắc phục. Đó là tình trạng bán điều non trong cộng đồng người Xêtiêng. Toàn xã hiện có 125 hộ cầm cố vườn điều từ 2 đến 10 năm. Thậm chí có cả cán bộ, đảng viên là người Xêtiêng cũng đem vườn điều đi cầm cố.

Để hạn chế tình trạng này, xã Bù Gia Mập đang có chủ trương phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho người dân vay vốn để trả nợ và chuộc lại nương rẫy. Tuy nhiên, nhiều hộ cầm cố thời gian quá dài nên ngân hàng cũng khó cho vay. Mặt khác, diện tích đất tự nhiên trên địa bàn xã khá rộng nhưng diện tích đất nông nghiệp lại rất ít. “Riêng diện tích sau khi phân 3 loại rừng giao về địa phương để ra sổ đỏ, nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng thì tiến độ cấp sổ lại chậm. Tỷ lệ cấp sổ đỏ cho diện tích sau khi phân loại rừng trong năm 2014 chỉ đạt 34,7%. Trong khi đó, toàn xã còn 155 hộ thiếu đất sản xuất. Như vậy, yếu tố giảm nghèo sẽ thiếu tính bền vững” - Phó chủ tịch UBND xã Phạm Sỹ Hoàn trăn trở.    

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây