Về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình tại kỳ họp của HĐND Bù Gia Mập

Thứ sáu - 28/06/2013 10:22 8.968 0
        Hội đồng nhân dân huyện Bù Gia Mập khoá II nhiệm kỳ 2011-2016, đến nay gồm 38 /40 đại biểu, khuyết 02 đại biểu với lý do chuyển công tác, trong đó: nữ 04 Đại biểu chiếm 10,5%; Nam 34 Đại biểu chiếm 89,5 %; Dân tộc chiếm 8%;Trình độ đại học 86,8%; cao cấp chính trị chiếm 60,5%; Đảng viên chiếm 97,3%
          Thực trạng: Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân, việc chất vấn và trả lời chất vấn được quy định cụ thể tại Điều 41, 61 Luật tổ chức Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân. Chất vấn là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử ở địa phương. Tại kỳ họp, chất vấn là nội dung thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Thông qua chất vấn, các đại biểu thể hiện trách nhiệm của mình đốii với cử tri. Đồng thời, qua việc trả lời chất vấn, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và các cơ quan chức năng.  Thời gian qua, chất lượng các phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND được nâng lên, nhiều ý kiến chất vấn tại kỳ họp đã được triển khai trong thực tiễn, tạo niềm tin cho cử tri, góp phần nâng cao uy tín của HĐND và các vị đại biểu dân cử.

Thường trực HĐND ngày càng thể hiện được quyền hạn, trách nhiệm của mình trong quyết định các vấn đề quan trọng, thiết thực đến cuộc sống của người dân, từng bước khắc phục tính hình thức và đại biểu HĐND càng nâng cao trách nhiệm của mình trước cử tri, nghiên cứu, nắm bắt tình hình, tham gia đề xuất giải pháp, biện pháp quyết định các chính sách, chủ trương; UBND huyện và thủ trưởng cơ quan, đơn vị càng thấy trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của mình, trong giải quyết kiến nghị của cử tri cũng như trong điều hành công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

Trong các kỳ họp vừa qua,Thường trực HĐND huyện Bù Gia Mập rất coi trọng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND. Các đại biểu đã nghiên cứu kỹ các nội dung báo cáo, báo cáo thẩm tra của các Ban và đã đặt câu hỏi xác đáng, cụ thể hơn, rõ ràng hơn, nội dung chất vấn ngày càng đa dạng, phong phú bao quát được tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, về hoạt động của các cơ quan nhà nước và các vấn đề bức xúc mà đông đảo cử tri quan tâm.

Thông thường, trước khi kỳ họp diễn ra 2 tuần, Thường trực HĐND huyện có văn bản đề nghị các đại biểu đăng ký ý kiến chất vấn đối với UBND và các ngành chức năng gửi về thường trực HĐND huyện. Hoạt động chất vấn là công cụ giám sát trực tiếp, nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND. Hoạt động chất vấn ngày càng thiết thực và có chiều sâu. Nội dung chất vấn ngày càng sắc sảo, câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, thể hiện được những vấn đề bức xúc của cử tri. Các đại biểu HĐND đã mạnh dạn hơn trong việc tranh luận, truy vấn để làm rõ vấn đề. Với cách làm này hoạt động chất vấn đã thực sự có trọng tâm, trọng điểm, không bị dàn trải, giải quyết được những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong thực tiễn ở địa phương.

Tuy nhiên hoạt động về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp còn có một số hạn chế:

- Một là: Một số ít đại biểu HĐND và người bị chất vấn chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc chất vấn và trả lời chất vấn nên còn e ngại, chưa thật sự cởi mở. Số ý kiến chất vấn vẫn còn ít thường mỗi kỳ họp có từ 7 đến 10 ý kiến; nội dung trả lời chất vấn chưa cụ thể, chưa xác định rõ trách nhiệm, nguyên nhân, chưa đi thẳng vào vấn đề nên gây bức xúc cho đại biểu và cử tri,

Hai là: Một số đại biểu HĐND ít chất vấn trực tiếp tại kỳ họp, một số ý kiến chất vấn chưa được chuẩn bị chu đáo nên chưa phản ánh đúng thực trạng, chưa đi sâu vào những vấn đề bức xúc đang được xã hội quan tâm như về công tác bảo vệ môi trường, quản lý bảo vệ rừng, trật tự an toàn xã hội....

Ba là: Thời gian tổ chức kỳ họp thường 1,5 ngày nên thời gian dành cho hoạt động chất vấn và thảo luận tại kỳ họp còn quá ít vì vậy phần nào ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả chất vấn. 

Bốn là: Trong trả lời chất vấn vẫn còn một số trường hợp những nội dung được trả lời chất vấn chưa rõ ràng, thường đổ lỗi cho yếu tố khách quan, hoặc trả lời chung chung, chưa thấy rõ trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ. Một số  vụ việc phức tạp đã trả lời của cơ quan chức năng tại nhiều kỳ họp và qua kỳ họp vẫn chưa giải quyết dứt điểm, chưa có giải pháp khắc phục cụ thể như thời gian nào thì khắc phục xong.  

 Nguyên nhân những hạn chế là do đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, điều kiện thu thập và phân tích thông tin của một số đại biểu còn hạn chế, hơn nữa tài liệu kỳ họp quá nhiều, không có thời gian nghiên cứu kỹ, từ đó nắm không chắc nội dung vấn đề cần chất vấn, do đó ngại không muốn chất vấn. Mặc khác, mỗi đại biểu cũng làm việc ở cơ quan, hàng ngày có quan hệ công tác gắn bó thân mật nên khi chất vấn cũng e ngại, nể nang

Từ thực trạng, hạn chế nêu trên, cho chúng ta thấy rằng việc thực hiện hoạt động thảo luận và chất vấn tại kỳ họp của HĐND với những kết quả đạt được so với yêu cầu và mong muốn của cử tri vẫn chưa cao. Để tăng cường, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của đại biểu HĐND huyện tại kỳ họp .

            Một số giải pháp nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND.

           Từ thực tiễn hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND huyện Bù Gia Mập  thời gian qua và đối chiếu với các quy định của pháp luật về hoạt động chất vấn, để tiếp tục nâng cao chất lượng của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, Thường trực HĐND huyện Bù Gia Mập đề xuất một số giải pháp như sau:

1. Nâng cao nhận thức về hoạt động chất vấn: đối với đại biểu HĐND, chất vấn không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của đại biểu trước dân, trước cử tri. Trong quá trình giám sát, với trách nhiệm của mình, đại biểu thấy những vấn đề bức xúc, những biểu hiện của tinh thần thiếu trách nhiệm trước công việc, thiếu nghiêm túc trong tuân thủ pháp luật vv… đại biểu HĐND phải yêu cầu các cơ quan báo cáo, giải trình rõ. Đại biểu HĐND ngoài việc phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, cần phải tìm hiểu sâu, kỹ những vấn đề cử tri bức xúc, dư luận xã hội quan tâm và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, thực hiện quyền giám sát của mình thông qua hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn. Bên cạnh đó cần coi Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND cũng là cơ hội để HĐND phân tích, mổ xẻ những vấn đề còn tồn tại, khó khăn vướng mắc để cùng với UBND tìm giải pháp khắc phục; đó cũng là cơ hội để UBND thông tin làm rõ thực trạng tình hình, những khó khăn phải vượt qua để được sự chia sẻ của đại biểu và cử tri, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ.

2. Về chuẩn bị nội dung chất vấn: Các câu hỏi chất vấn phải được tổng hợp từ nhiều kênh thông tin, từ quá trình giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, họp tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND; từ thực tiễn cuộc sống, từ hoạt động TXCT, thu thập thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng. Việc đặt câu chất vấn cần ngắn gọn, đúng trọng tâm, dễ hiểu, thiết thực, có căn cứ xác đáng, có địa chỉ cụ thể nêu lên những vấn đề chung có liên quan đến nhiều lĩnh vực.

            3. Về công tác điều hành của chủ tọa: Chủ tọa điều hành phải đúng luật, dân chủ, khoa học. Chủ tọa cần tìm hiểu kỹ nội dung liên quan đến vấn đề đưa ra chất vấn. Điều hành nội dung chất vấn cần linh hoạt, gợi mở, tập trung. Đối với những vụ việc nổi cộm cần có thời gian hợp lý để người chất vấn và người trả lời chất vấn có sự trao đổi (đối thoại) tranh luận; nếu chưa sáng tỏ vấn đề thì chủ tọa điều hành phiên chất vấn có kết luận, hoặc yêu cầu người trả lời chất vấn trả lời trực tiếp đại biểu bằng văn bản, hoặc trả lời vào phiên họp sau. Sau mỗi nội dung chất vấn, Chủ tọa phải có kết luận rõ ràng, gợi ý chất vấn bổ sung nếu thấy cần để làm rõ vấn đề. Trong mỗi kỳ họp HĐND phải bố trí, dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động chất vấn.

 4. Đối với người trả lời chất vấn: Nội dung trả lời chất vấn phải cụ thể, rõ ràng, giải trình ngắn gọn, đầy đủ theo yêu cầu câu hỏi đặt ra, nêu rõ cái đúng, cái sai, nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm, tiến độ và biện pháp khắc phục khả thi kèm theo. Thủ trưởng cơ quan trả lời chất vấn phải đề cao vai trò trách nhiệm cá nhân, nhận thức rõ những mặt tích cực và những thiếu sót để khắc phục, tránh tình trạng trả lời chung chung, đùn đẩy trách nhiệm của cá nhân, đơn vị mình.

 5. Về trách nhiệm của đại biểu: Đại biểu HĐND cần nâng cao trách nhiệm, tìm hiểu kỹ thông tin và các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung chất vấn. Không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng chất vấn, bao gồm kỹ năng lựa chọn vấn đề đưa ra chất vấn; lựa chọn ngôn ngữ đối thoại trong chất vấn... Phản ánh thông tin khi chất vấn phải ngắn gọn, mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu. Nội dung chất vấn tại kỳ họp phải là những vấn đề có tính bức xúc, có tầm ảnh hưởng lớn, được đông đảo cử tri và đại biểu HĐND quan tâm, đảm bảo chất vấn mang tính xây dựng và đúng quy định pháp luật.

            6. Công tác phối hợp trong việc chất vấn và trả lời chất vấn. Thường trực HĐND cần chủ động phối hợp với UBND để thống nhất sự phân công chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trả lời chất vấn tại kỳ họp, quyết định những vấn đề gì cần chất vấn tại kỳ họp và gửi câu hỏi chất vấn tới thủ trưởng các cơ quan liên quan yêu cầu chuẩn bị báo cáo bằng văn bản gửi tới thường trực HĐND, phối hợp trong việc đôn đốc thực hiện lời hứa trong trả lời chất vấn. Sau kỳ họp UBND huyện họp thành viên UBND giao trách nhiệm cho PCT.UBND huyện phụ trách các lĩnh vực đôn đốc kiểm tra các cơ quan chuyên môn giải quyết các nội dung đã hứa trong báo cáo trả lời ý kiến cử tri và trả lời chất vấn tại kỳ họp.  

 Bên cạnh đó, chất vấn là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, vì vậy, Hội đồng nhân dân không ngừng đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả chất vấn để ngày càng đáp ứng lòng mong mỏi, sự kỳ vọng của nhân dân vào hoạt động này. Để hoạt động chất vấn thực sự có chiều sâu, thiết thực, giải quyết được những vấn đề bức xúc, mang tính thời sự, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của nhiều chủ thể. Trong đó, quan trọng nhất là đại biểu Hội đồng nhân dân. Do đó, đại biểu HĐND cần phải nâng cao hơn nữa năng lực và tinh thần trách nhiệm của mình, khẳng định bản lĩnh, vị trí của mình trên diễn đàn chất vấn,  xứng đáng với danh hiệu cao quý “người đại biểu nhân dân”.Thường trực Hội đồng nhân dân cần nghiên cứu cách thức cung cấp thông tin cho các đại biểu một cách nhanh và hiệu quả nhất và từng đại biểu cũng cần nỗ lực hết mình để không phụ lòng tin và sự kỳ vọng của cử tri ./.

 Nguyễn Đình Quyền

     PCT-HĐND huyện

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 1.2 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây