Đây là văn bản pháp lý quan trọng trong quá trình giải quyết khiếu nại. So với Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành thì Luật Khiếu nại có khá nhiều điểm mới, cần được nghiên cứu tìm hiểu để thống nhất về nhận thức và triển khai thực hiện. Xin được đề cập đến một số nội dung của Luật Khiếu nại, đặc biệt là những điểm mới so với quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành.
Một là, về đối tượng của khiếu nại
Theo quy định tại Điều 2 của Luật thì đối tượng của khiếu nại là : quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.
So với quy định hiện hành thì đối tượng của khiếu nại vẫn được giữ nguyên, điểm khác là cách hiểu về quyết định hành chính. Nếu như trước kia, quyết định hành chính phải là quyết định bằng văn bản thì hiện nay Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Như vậy, quyết định hành chính hiện nay được hiểu rộng hơn, không chỉ bao gồm các văn bản được ban hành dưới hình thức một quyết định mà bao gồm cả các văn bản dù không dưới hình thức quyết định nhưng chứa đựng những quy định đụng chạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và doanh nghiệp.
Như vậy Quyết định hành chính thuộc đối tượng khiếu nại là văn bản được thể hiện dưới hình thức quyết định hoặc dưới hình thức khác như thông báo, kết luận, công văn do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành có chứa đựng nội dung của quyết định hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính mà người khiếu nại cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (trừ những văn bản thông báo của cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức trong việc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức bổ sung, cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết, xử lý vụ việc cụ thể theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó).
Hai là, việc áp dụng quy định của Luật Khiếu nại
Ngoài việc quy định việc khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng được áp dụng theo Luật Khiếu nại thì còn rất nhiều vấn đề mới đáng quan tâm. Đó là việc khiếu nại và giải quyết các khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính trong đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước cũng như trong một số cơ quan tổ chức khác.
Đơn vị sự nghiệp công lập (các cơ sở y tế, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình…) và các doanh nghiệp nhà nước không phải là cơ quan quản lý hành chính nhà nước và hoạt động theo những cơ chế tự chủ riêng. Tuy nhiên, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoạt động trên cơ sở lợi ích công và chịu sự chỉ đạo của các cơ quan nhà nước. Việc tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước do pháp luật quy định và bản thân quá trình điều hành đơn vị nghiệp, doanh nghiệp nhà nước cũng có những quyết định hành chính, hành vi hành chính. Vì thế, dù đó không phải là các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước nhưng có thể áp dụng quy định của Luật Khiếu nại để giải quyết. Do tính chất và hình thức tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập khá đa dạng nên Chính phủ sẽ có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Trong các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cũng có thể xảy ra các khiếu nại đối với việc thực hiện chính sách pháp luật nói chung hay việc thực hiện các điều lệ, quy chế riêng được áp dụng đối với các thành viên của tổ chức đó. Vì vậy, Luật Khiếu nại quy định các cơ quan có thẩm quyền của các tổ chức này hướng dẫn việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong cơ quan, tổ chức mình. Việc hướng dẫn này có thể vận dụng các quy định của Luật Khiếu nại đồng thời căn cứ vào tính chất, đặc điểm về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức đó để quy định cho phù hợp.
Cũng tương tự như vậy, trong các cơ quan, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước và các cơ quan khác của Nhà nước (không phải là cơ quan hàh chính) cũng có những khiếu nại mang tính chất nội bộ, chủ yếu giữa các cán bộ, công chức về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ. Căn cứ vào Luật Khiếu nại, các cơ quan này quy định việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong cơ quan mình.
Điểm đặc biệt lưu ý là quy định tại Khoản 5 của Điều 3 Luật Khiếu nại: Trường hợp luật khác có quy định khác về khiếu nại và giải quyết khiếu nại thì áp dụng theo quy định của luật đó. Luật Khiêu nại là văn bản đầy đủ nhất về các vấn đề liên quan đến khiếu nại hành chính và có thể áp dụng chung đối với mọi khiếu nại hành chính. Tuy nhiên, trong từng nghành, từng lĩnh vực, do tính chất và đặc điểm về tổ chức và hoạt động có khác nhau nên trong các đạo luật chuyên ngành có thể có những quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại khác với quy định của Luật Khiếu nại. Trong trường hợp đó thì áp dụng các quy định của luật chuyên ngành đó. Mặc dù vậy những vấn đề mà luật chuyên ngành đó không quy định thì vẫn có thể áp dụng theo Luật Khiếu nại, chẳng hạn về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại, trình tự thủ tục giải quyết, nội dung quyết định giải quyết…
Ba là, về trách nhiệm của cơ quan thanh tra
Theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo thì trách nhiệm tham mưu cho thủ trưởng cơ quan quản lý trong việc giải quyết khiếu nại đương nhiên thuộc về cơ quan thanh tra thì theo quy định của Luật Khiếu nại lần này, trách nhiệm tham mưu còn thuộc về nhiều cơ quan khác, nhất là cơ quan chuyên môn, chẳng hạn các sở ban ngành thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp. Cơ quan thanh tra chỉ thực hiện nhiệm vụ này (kiểm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị) khi Thủ trưởng cơ quan quản lý giao.
Ngoài ra, Luật Khiếu nại còn quy định trách nhiệm của Chánh thanh tra các cấp, các ngành: Giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan thuộc quyền quản lý trực tiếp của thủ trưởng trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức thì kiến nghị thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp hoặc kiến nghị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để chấm dứt vi phạm, xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người vi phạm.
Bốn là, vấn đề đối thoại trong giải quyết khiếu nại
Nếu như tại Luật Khiếu nại, tố cáo, việc đối thoại là bắt buộc đối với giải quyết lần đầu và đối với lần hai chỉ tổ chức đối thoại khi cần thiết thì theo Luật Khiếu nại quy định việc đối thoại trong việc giải quyết khiếu nại lần đầu sẽ được tổ chức “nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại”, còn việc tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại lần hai là bắt buộc.
Ngoài ra Luật Khiếu nại còn quy định trong giải quyết khiếu nại lần hai “Đối với vụ việc khiếu nại phức tạp, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại lần hai thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết khiếu nại “.
Tổ chức và cơ chế hoạt động, giá trị pháp lý của các ý kiến tư vấn, quyền và nghĩa vụ của các thành viên Hội đồng sẽ được hướng dẫn cụ thể sau này.
Năm là, về quyền khởi kiện vụ án hành chính
Nếu như trước đây, việc khởi kiện hành chính tại Toà án chỉ có thể được thực hiện sau khi đã qua bước giải quyết khiếu nại tại các cơ quan hành chính nhà nước thì theo Luật Khiếu nại, người khiếu nại có thể lựa chọn và khởi kiện thẳng ra Tòa án, khiếu nại không còn là thủ tục bắt buộc. Quy định này phù hợp với tinh thần của Luật Tố tụng hành chính và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong khi thực hiện quyền khiếu kiện của mình ./.
Lê Văn Thành
Ý kiến bạn đọc