Trong việc thực hiện các chính sách, dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, toàn huyện có 05 xã và 04 thôn đặc biệt khó khăn được hưởng chương trình 135 giai đoạn II (2006 – 2010). Về xây dựng cơ sở hạ tầng hiện nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 112 công trình, dự án đào tạo và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho 5.325 hộ, với 51 mô hình; hỗ trợ 381 phương tiện, máy móc, thiết bị, công cụ sản xuất, vật tư nông nghiệp, cây, con giống; tập huấn kỹ thuật nông nghiệp và các mô hình sản xuất cho cán bộ cơ sở và cộng đồng được 30 lớp; cải thiện các dịch vụ, nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý cho 07 xã trên địa bàn huyện. Tổng số hộ đã được thụ hưởng Chương trình 134 là 698 hộ với diện tích 514,67 ha, hỗ trợ đất ở cho 574 hộ được thụ hưởng với diện tích bình quân trên 30m2 chủ yếu do bà con dân tộc tự san sẻ diện tích đất ở cho nhau và một phần cấp từ quỹ đất của xã; hỗ trợ xây dựng nhà ở được 686 căn; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 1.121 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng, đạt 100,9% so với đề án của tỉnh phê duyệt. Hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102 của Chính phủ cho 7.410 hộ với tổng số tiền là 4.398.440.000 đồng, cung cấp 185.451 cây ca cao giống cho 1.125 hộ.
Hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định 1592 của Chính phủ cho 97 đối tượng và hỗ trợ bồn nước sinh hoạt cho 245 hộ với kinh phí là 293,93 triệu đồng. Hỗ trợ di dân, thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 33 của Chính phủ cho 92 hộ với 92 ha, cho vay vốn phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định 32 của Chính phủ được 600 hộ với 14.150,5 triệu đồng; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ là 909 căn cho hộ nghèo, trong đó số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng là 418 căn. Huyện cũng đã ban hành Quyết định số 625, 699, 946 về tạm giao 87,3 ha cho 74 hộ dân thiếu đất sản xuất, 51 ha cho 51 hộ dân tái định canh trong dự án di dời và ổn định dân di cư tự do trong lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Mai.
Hiện nay trên địa bàn huyện có 13 Hội đồng già làng với tổng số 94 già làng. Có 9/13 xã đã tổ chức Đại hội kiện toàn Hội đồng già làng. Trong thời gian qua, các già làng đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phát huy vai trò, uy tín của mình để vận động đồng bào dân tộc thiểu số và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động của địa phương; giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, dần xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới hỏi, ma chay và tiết kiệm chi tiêu trong sinh hoạt gia đình.
Về việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã được cấp ủy và chính quyền các cấp quan tâm chú trọng, đời sống của người dân nói chung và đồng bào nghèo nói riêng được nâng lên đáng kể. Đến hết năm 2012, toàn huyện có 3.351 hộ nghèo (chiếm 9,3% dân số toàn huyện, giảm 4,1% so với năm 2010), hộ cận nghèo là 1.479 hộ. Trong đó số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số là 1.653 hộ, chiếm 22,4% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (giảm 4,6% so với năm 2010), chiếm 49,3% tổng số hộ nghèo của toàn huyện, số hộ cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 489 hộ với 2.602 khẩu.
Trong những năm qua, huyện đã mở được 34 lớp đào tạo nghề cho 1.523 người, trong đó số học viên là người dân tộc thiểu số là 511 người; giải quyết việc làm cho 11.837 lao động (bao gồm cả người kinh và người đồng bào dân tộc thiểu số). Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng con em đồng bào dân tộc thiểu số, xét sơ tuyển cho 51 em là con em đồng bào dân tộc thiểu số đủ điều kiện đi học tại các trường đại học, cao đẳng.
Toàn huyện có 191 đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số, 1.378 đoàn viên, hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số, có 80 cán bộ, công chức cấp huyện và cấp xã là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó: có 5 người làm công tác Đảng, 52 người làm công tác chính quyền, 23 người làm công tác Mặt trận, đoàn thể. Việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức năng lực cho cán bộ, công chức là đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp ủy Đảng chú trọng, cơ bản đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Song song với việc thực hiện các chính sách, dự án đầu tư, xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì công tác xây dựng bộ máy quản lý Nhà nước về công tác dân tộc cũng được huyện thực hiện tốt. Đến nay toàn huyện có 24 cán bộ làm công tác dân tộc, 18/18 xã có cán bộ bán chuyên trách phụ trách công tác dân tộc. Phòng Dân tộc huyện Bù Gia Mập chính thức đi vào hoạt động 01/01/2010 với 06 cán bộ, công chức; ngoài ra, các cơ quan, ban ngành các cấp cũng đã bố trí cán bộ phụ trách công tác dân tộc gắn với nhiệm vụ của từng đơn vị.
Trong việc thực hiện chính sách đặc thù về văn hóa – xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã xây dựng được 3 nhà văn hóa cấp xã, 151 nhà văn hóa thôn, 40/156 thôn của 18 xã có nhà văn hóa cộng đồng. Việc tổ chức lễ hội Mừng lúa mới của người dân tộc S’tiêng tiếp tục được duy trì, 2011 Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện tổ chức thành công lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng thu hút trên 4.000 người tham dự. Hàng năm huyện đã hỗ trợ quà tết và cứu đói giáp hạt cho hàng nghìn hộ nghèo và cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn huyện trị giá hàng chục tỷ đồng. Đến năm 2012 đã cấp 19.878 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cấp 1.124 thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ dưới 06 tuổi; tỷ lệ giảm sinh đạt 0,7%; 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc về y tế.
Công tác chăm sóc sức khỏe đối với đồng bào dân tộc được quan tâm và chuyển biến tích cực, hoạt động y tế thôn bản luôn gắn với phong trào giữ vệ sinh phòng bệnh từ cơ sở. Hiện nay tất cả các trạm y tế xã có đội ngũ y, bác sỹ trực tiếp khám chữa bệnh cho người dân. Công tác phòng chống dịch như sốt rét, sốt xuất huyết, chân tay miệng, công tác tiêm chủng cho trẻ dưới 01 tuổi,…được thực hiện tốt, góp phần giảm tử vong, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Riêng năm 2012 toàn ngành y tế đã khám và điều trị 156.260 người dân.
Toàn huyện có 78 trường ở các cấp học, tổng số 38.953 học sinh; duy trì và thực hiện tốt công tác xóa mù chữ - phổ cập giáo dục, kết quả năm 2012: 18/18 xã đạt phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, 12/18 xã đạt phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi.
Việc thực hiện các dự án, chính sách về phát triển kinh tế tại địa phương đã và đang tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ đối với sản xuất của người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Hiện nay trong đồng bào dân tộc có 03 tập đoàn sản xuất đang hoạt động, 02 hợp tác xã nông nghiệp mới thành lập, 01 tổ hợp tác khai thác 5,5 ha cao su tại Long Bình, đây là mô hình để đồng bào dân tộc thiểu số tập dượt về áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất của hộ gia đình và tập đoàn viên. UBND huyện đang tiến hành rà soát, đo đạc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 1.079 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với diện tích là 1.632,62 ha.
Với việc thực hiện các dự án, chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Trung ương và địa phương được thực hiện có hiệu quả, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần to lớn trong việc thực hiện xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, đẩy lùi tập quán lạc hậu, xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, củng cố lòng tin của người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đối với Đảng, chính quyền, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương được giữ vững ổn định.
Nhà văn hóa cộng đồng thôn Bù Ha xã Bình Thắng
Lê Nga
(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bù Gia Mập – Bình Phước)
Ý kiến bạn đọc